pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiền Giang: Phụ nữ là nhân tố tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ làm nghề dệt chiếu
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, cho biết, với sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, Hội LHPN tỉnh là một trong những tổ chức, triển khai thực hiện tốt, có nhiều đóng góp tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Các phong trào, cuộc vận động đã được Hội triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện. Các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các cách làm hay về xây dựng nông thôn mới được tổ chức thường xuyên từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
+ Bà đánh giá thế nào về những đóng góp của hội viên phụ nữ đối với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa phương trong thời gian qua?
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thực hiện công nghiệp hóa,hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Thông qua chương trình, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
Việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, được hội viên phụ nữ, nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Đạt được kết quả đó, phải khẳng định có sự đóng góp quan trọng của hội viên phụ nữ. Chị em vừa là người được thụ hưởng, đồng thời cũng là nhân tố tích cực góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện cho thấy chị em hội viên phụ nữ đã tham gia vào tất cả các mục tiêu của chương trình. Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ cũng là lực lượng lao động mang lại thu nhập cho gia đình, góp phần sản xuất ra phần lớn sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra chị em còn chung tay đóng góp công sức, tiền của, tham gia hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa... Đặc biệt, hội viên phụ nữ cũng là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; cũng là đối tượng tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các địa phương; góp phần nâng cao đời sống tinh thần khu vực nông thôn, đồng thời lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Có thể thấy chị em luôn là người tiên phong, nhiệt huyết, là cầu nối để gắn kết các thành viên trong gia đình cùng chăm lo xây dựng gia đình văn hóa. Tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng tham gia vào các phần việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tích cực cùng cộng đồng chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần vào thành tích xây dựng nông thôn mới của địa phương.
+ Trong các tiêu chí nông thôn mới, hội viên phụ nữ đã có đóng góp lớn, quan trọng đối với những tiêu chí nào?
Có thể nói vai trò của hội viên phụ nữ hết sức quan trọng trong việc đóng góp vào các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng nổi bật đó là sự tham gia thực hiện các tiêu chí 9 (nhà ở dân cư), 10 (thu nhập), 11 (hộ nghèo), 12 (lao động có việc làm) trong 19 tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới. Các cấp Hội tập trung thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập bằng cách hỗ trợ vốn, tập huấn kiến thức, đào tạo nghề, tham gia phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế".
Hội viên, phụ nữ góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Ngoài ra, Hội cũng đầu tư xây dựng mới các mô hình kinh tế giỏi, an toàn thực phẩm và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Những hoạt động của Hội đã giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Góp phần thực hiện tiêu chí 17 (môi trường và an toàn thực phẩm), Hội đã triển khai xây dựng nhiều mô hình thiết thực: Phân loại rác thải tại hộ gia đình; duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lon", mô hình bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa; duy trì tuyến đường hoa - xanh - sạch - đẹp. Vận động hội viên, phụ nữ và người dân chung tay góp sức bảo vệ môi trường bằng những việc làm tại hộ gia đình như: Trồng hoa trước cửa nhà, dọc tuyến đường, giữ gìn vệ sinh chung, quét dọn nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp...
Đồng thời, vận động phụ nữ ký cam kết và thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh sử dụng thực phẩm an toàn. Các hoạt động triển khai được hội viên, phụ nữ và nhân dân đồng tình hưởng ứng đã góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường trong nông thôn, tạo vẻ mỹ quan trong xây dựng nông thôn mới.
+ Kinh nghiệm trong triển khai các chương trình, hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới của các cấp Hội LHPN trên địa bàn là gì, thưa bà?
Để đạt được những kết quả trên, Hội cụ thể hóa triển khai thực Chương trình xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị vào các phong trào thi đua và 8 tiêu chí Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với thực tế tại cơ sở gắn với các tiêu chí thực hiện, nhằm đưa Cuộc vận động"Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu.
Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả hội viên, phụ nữ trong công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền sinh động, phong phú; truyền thông sâu rộng trong cộng đồng bằng các hình thức như ngày hội, tọa đàm, liên hoan.
+ Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai các hoạt động, giải pháp nào để tiếp tục tăng cường vai trò của hội viên phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu?
Hàng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí "Gia đình 5 không 3 sạch" (đối với địa bàn đang xây dựng nông thôn mới) hoặc "Gia đình 5 có 3 sạch" (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu). Phấn đấu toàn tỉnh giúp được thêm 800 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện ít nhất 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh
Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ, nhân dân và cộng đồng về nội dung và tiêu chí của cuộc vận động. Lựa chọn hình thức, nội dung để tổ chức các hoạt động phù hợp với đối tượng hội viên phụ nữ, nhân dân ở từng địa bàn khác nhau
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong thực hiện cuộc vận động. Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ, nhân dân thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động.
Ngoài ra, tranh thủ vận động các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa để lựa chọn các hoạt động cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của cấp Hội.
Xin cảm ơn bà !