pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Ngãi: "Bông hồng thành phố" đối diện với hiểm nguy từ bóng tối
"Bông hồng thành phố" Lê Thị Thùy Tân
Gian khổ sẽ dành phần ai?
Bất kể đêm đông giá rét, hay những ngày hè nắng như đổ lửa, tiếng chổi tre xao xác, tiếng xe đẩy nặng nề của các nữ công nhân môi trường vẫn văng vẳng như thứ âm thanh không thể thiếu nơi phố thị náo nhiệt. Có lẽ, ít ai biết được để giữ gìn cho mỗi con đường xanh - sạch - đẹp, đôi khi họ phải đối mặt với đủ sự dè bỉu, ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Đêm về, cũng là lúc chị Lê Thị Thùy Tân bắt đầu với công việc thầm lặng của mình. Những bước chân của chị hòa cùng nhịp chổi xào xạc, đem lại sự sạch đẹp cho thành phố Quảng Ngãi.
Ở tuổi gần 40, chị Thùy Tân gắn bó với nghề vệ sinh môi trường trong suốt hơn 2 thập kỷ. Gặp chị đúng vào lúc trời đã về đêm trên tay là cây chổi tre cán dài và không thể thiếu "bạn đồng hành" chiếc xe đẩy nặng nề. Với hành trang như vậy, chị rong ruổi khắp "hang cùng ngõ hẻm" nơi phố thị.
Chị Thùy Tân bộc bạch: "Từ nhỏ đã chứng kiến ba và anh trai làm việc công nhân vệ sinh môi trường, những hình ảnh đó luôn hiện lên trong đầu tôi. Mỗi ngày, tôi suy nghĩ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì việc khó sẽ dành phần ai. Thế là năm 2002, tôi chính thức xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường".
Đây là công việc đòi hỏi sự chịu khó, lòng dũng cảm và sự hy sinh… bởi khoảng thời gian làm việc "khắc nghiệt", bất chấp thời tiết, ít người qua lại. Cùng với đó là muôn vàn hiểm nguy từ "bóng tối" mà chị Thùy Tân phải đối mặt.
Chị Thùy Tân kể lại về vụ tai nạn bất ngờ ập đến cách đây hơn 2 năm, ngay trong đêm đi quét rác trên đại lộ Hùng Vương. Đêm ấy thật khủng khiếp, trong khi chị đang ngồi trên vỉa hè bó lại cây chổi thì có 2 thanh niên phóng xe máy lao lên lề đường, tông thẳng vào người làm chị bất tỉnh.
Rất may công ty đã kịp thời đưa chị đi bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để cấp cứu. Ngoài sự động viên, giúp đỡ gia đình, công ty còn hỗ trợ trên 100 triệu đồng để giúp chị lo thuốc men, chi phí điều trị vết thương. Chị Thùy Tân phải ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mấy tháng để chữa trị xương sườn, xương đùi bị gãy và mất 9 tháng luyện tập vật lý trị liệu để hồi phục sức khỏe.
Sau vụ tai nạn đó, chị dường như mất hết niềm hy vọng về nghề mà mình từng gắn bó. Tuy nhiên, trong "cái rủi, có cái may", sau khi sức khỏe ổn định, chị đã được công ty giúp đỡ, bố trí làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Và sau một thời gian được anh, chị em trong đơn vị hỗ trợ thường xuyên, giờ đây chị đã đủ sức tiếp tục với tiếng chổi tre xào xạc thâu đêm trên đường phố.
Nói đến đây, chị cười trừ như để xua tan đi cái cảm giác vất vả, rồi lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Những chiếc lá rơi phủ kín mặt đường nhanh chóng "theo" "nhát" chổi thuần thục của chị mà dồn về một góc. Vèo một cái, đoạn đường dài vài chục mét cùng vỉa hè rộng được chị quét sạch sẽ. Rồi cứ thế, như một thói quen chị lại "cong mình" đẩy chiếc xe nặng nề đến những "chiến trường" tiếp theo.
Thoáng chút buồn của người phụ nữ tần tảo, chị Thùy Tân chia sẻ: "Ngày lễ cũng như ngày thường, bất kể thời tiết nắng mưa hay nắng, có những đêm mùa đông ngoài đường gió lạnh như "cắt da cắt thịt", nhưng phần vì trách nhiệm, phần vì mưu sinh nên tôi cũng chẳng nề hà gì".
Chị Tân lo lắng hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, bản thân chị cũng như các chị em công nhân trong xí nghiệp phải luôn đối diện với những rủi ro, nhưng mọi người vẫn không nản chí.
Tận tụy với công việc
Niềm vui lớn trong nghề là chị đã làm được nhiều việc có ý nghĩa đã được anh, chị em trong xí nghiệp vệ sinh môi trường đồng tình. Đó là khi lượng rác thải ở trong các khu dân cư, trên các tuyến phố quá nhiều, nếu không xử lý kịp thời nguy cơ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Khi đó, ngoài việc nỗ lực của đội công nhân trên mỗi tuyến phố, chị đề nghị đội cấp thêm thùng, làm thêm giờ và ưu tiên tập trung công nhân, phương tiện sẵn có kịp thời thu gom, xử lý rác thải tồn đọng ở những khu vực, tuyến đường nhạy cảm.
Đặc biệt, trong mùa mưa, bão, cây cối thường ngã đổ, rác tồn động nhiều trong khu dân cư, nhưng đội vệ sinh của chị đều xử lý kịp thời, đảm bảo môi trường trong lành. Ngay một số hộ dân thiếu ý thức, thường vứt rác thải ra ngoài đường, gây mùi hôi thối, chị vẫn lặng lẽ quét dọn, thu gom rác bỏ vào thùng, trả lại môi trường an toàn. Khi gặp người dân khó tính, bức xúc về rác tồn đọng, chị em công nhân vệ sinh cố gắng làm trắng đêm, giải phóng sạch đường phố thì bà con cũng không lớn tiếng, mà ứng xử với công nhân vệ sinh một cách nhẹ nhàng, tình cảm.
Chị Thùy Tân cười nói: "Có đêm đang quét rác trên đường, bất ngờ có cụ bà cần dẫn qua đường, chị nhiệt tình giúp đỡ đưa bà sang đường an toàn. Có cụ ông đau yếu ngồi trong nhà gọi vọng ra ơi ới, nhờ chị vào phía sau bếp xách giỏ rác ra đổ vào thùng, chị vẫn vui vẻ làm. Mỗi việc làm tuy nhỏ nhưng đã nhiều năm trôi qua chị vẫn luôn ghi nhớ trong lòng và rất vui với nghề, với cuộc sống hiện tại".
Công việc hiện nay của chị là hằng đêm, từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, đi quét đường, thu gom rác thải trên 4 tuyến phố Bà Triệu, Tôn Đức Thắng, Võ Tùng và Trương Quang Trọng ở TP Quảng Ngãi. Mỗi tuyến phố chị đi qua luôn được quét sạch sẽ, rác thải được thu gom kịp thời. Nhiều người dân sinh sống ở đây khen chị tận tụy với công việc.
Bà Nguyễn Thị Minh Thành, Phó Giám đốc Xí nghiệp vệ sinh môi trường Quảng Ngãi: "Chị Tân đã nhiều năm gắn bó với công ty, yêu nghề sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi đơn vị cần. Chị em trong đơn vị thường gọi chị Tân là "bông hồng thành phố".
Niềm vui nhất đối với cuộc đời chị Thùy Tân khi đến với nghề này là được se duyên cùng với anh chàng lái xe chuyên dụng trong đơn vị vào năm 2004 và có một gia đình hạnh phúc. Lúc chia tay chị Tân trong đêm, bất chợt chị Tân khẽ đọc lên mấy câu thơ: "Quảng Ngãi mùa Covid/Con phố khuya trầm mình/Tiếng chổi tre ai quét/Giữa đêm dài lặng thinh…" .