pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Ninh giảm nghèo thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Các mô hình phát triển kinh tế giúp hội viên, phụ nữ tỉnh Quảng Ninh thoát nghèo
Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều mới theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của Trung ương. Các cấp ngành, địa phương của tỉnh nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, với mục tiêu cốt lõi và cao nhất xóa nghèo của tỉnh là nâng cao thu nhập cho người dân.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu: Đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh; đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để thực hiện mục tiêu này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai hàng loạt các Nghị quyết về xây dựng chương trình nông thôn mới, cũng như về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh; các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ thực hiện tốt những chính sách quan trọng này, hàng nghìn hộ cận nghèo, hộ nghèo trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đồng bào vùng DTTS.
Thực hiện lồng nghép giới trong giảm nghèo bền vững, để tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là các chị em sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Cụ thể, trong Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội phụ nữ các địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động, chương trình, phong trào hằng năm. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", mô hình "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế". Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ vay vốn thông qua khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, các nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ của hội phụ nữ.
Thực hiện các phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ"…, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội phụ nữ tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; trợ giúp các hộ hội viên đăng ký thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hỗ trợ cây, con giống, vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…
Nhiều mô hình đã được hội viên phụ nữ duy trì, thực hiện hiệu quả, giúp các hộ ổn định cuộc sống, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, như các mô hình: trồng nấm rơm, ổi tại phường Hoành Bồ (TP Hạ Long); nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu; trồng trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ; dịch vụ du lịch tại TP Hạ Long, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn… Nhiều sản phẩm mới được các hộ hội viên nuôi trồng thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả, như: Nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng khoai lang Nhật, mía tím, rau sạch, lạc đỏ…
Theo chia sẻ từ đại diện Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đang tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, gắn với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.