pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tuổi già quạnh hiu khi không còn bạn đời
Ảnh minh họa
Bữa cơm không mâm, không đĩa
Sống một mình nên mọi thứ với bà Trần Thị Hường đều qua quýt, đơn giản. Bà chỉ ăn cho xong bữa. Đến bữa ăn, bà không dọn mâm mà ăn luôn tại nồi trong bếp. Chưa kể, nhiều hôm người mệt, bà lại bỏ bữa. Vài tháng mới có một bữa bà ăn thấy ngon. Đó là lúc 1 trong 2 con về chơi với mẹ.
Ban ngày, bà Hường tìm niềm vui ở công việc đồng áng. Còn buổi tối, bà tìm niềm vui từ những cuộc điện thoại của các con gọi về. Tối nào cũng thế, 19h con gái cả gọi điện cho mẹ, cô con gái thứ 2 gọi muộn hơn, khoảng 21h. Mẹ con nói hết chuyện nọ đến chuyện kia khiến không gian trong nhà ấm lại. Hôm nào các con bận việc mà gọi muộn, bà Hường đi ra đi vào trông ngóng. Người già như bà, thiếu thốn gì cũng được nhưng không thể thiếu sự quan tâm, tình cảm của các con.
Bà Hường không ít lần bị ốm nhưng giấu các con và nằm mê mệt ở nhà. Khi nghe giọng mệt mỏi của mẹ, các con mới biết mẹ ốm và nhờ họ hàng xung quanh đưa đi bệnh viện. Nằm ở bệnh viện, bà không có ai chăm sóc. Bà tự mình xuống căng-tin bệnh viện ăn cơm, đi mua thuốc và thanh toán viện phí... Nhưng bà vẫn không muốn làm phiền các con.
"Các con chăm sóc mẹ từ xa là được rồi"
Nhưng khi được hỏi bà có muốn tuổi già ở cùng con cháu, bà lắc đầu. "Lên thành phố sống rồi chôn chân trong nhà, tôi không thể chịu được. Ở nhà tôi còn đi ra đi vào, chăm con gà, con ngan, chơi với chó, mèo còn thấy vui. Thỉnh thoảng, gặp các bà ở trên chùa cũng thấy khuây khoả. Chỉ cần con cháu khoẻ mạnh, công tác tốt thì tôi không phải lo lắng nhiều. Cứ nhà ai ở nhà đó, tự do là sướng nhất. Các con chăm sóc mẹ từ xa là được rồi", bà Hường chia sẻ.
Từ ngày chồng mất, bà Nguyễn Thị Hoa (ở Lương Định Của, Hà Nội) suy sụp hẳn. Ngày ông còn sống, hai ông bà rất tình cảm, bà sức khoẻ yếu hơn nên ông chăm sóc, lo lắng cho bà. Đến giờ uống thuốc, ông sắp sẵn thuốc và nước cho bà uống. Chỉ cần bà mỏi người, ông lại bóp chân, bóp tay, xoa lưng cho bà. Bà cũng rất kiên trì đun các loại lá cho ông uống để giảm huyết áp. Giờ ông mất đi, dù ở cùng gia đình con trai nhưng 10 năm qua, bà vẫn lủi thủi cơm nước một mình. Bà không thể quen với nếp sống mà bà thường gọi là "vô tổ chức" của các con. Với bà, ăn uống phải đúng giờ, không có chuyện "mạnh ai người nấy ăn", "người ăn trước không phần người ăn sau"... Hơn nữa, sở thích ăn uống của bà cũng khác con cháu. Nhìn bà bữa nào cũng lọ mọ nấu nắm gạo, chuẩn bị ít thức ăn, ai cũng cám cảnh. Thế nhưng, bà không thích cuộc sống phụ thuộc. "Tôi sẽ tự nấu ăn khi nào không còn sức thì thôi. Người già chúng tôi thích sống theo cách của mình. Khi nào ốm đau, không còn sức khoẻ thì mới nhờ đến con cháu", bà Hoa chia sẻ.
Hơn 30 năm nay, bà Lê Thị Dậu (hơn 80 tuổi) sống lủi thủi trong căn nhà nhỏ ở xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Nhiều người thắc mắc, thậm chí trách con của bà sao không đón mẹ lên Hà Nội sống cùng để tiện chăm sóc. Thế nhưng, mỗi lần muốn đón mẹ, các con của bà phải thuyết phục mãi. Chỉ ở nhà các con được vài hôm, bà lại nằng nặc đòi về. Bà chỉ thích sống ở quê, sống ở chính căn nhà bà đã gắn bó mấy chục năm. Ở đó, những hôm nào nhớ người bạn đời đã khuất của mình, bà lại thắp nén hương và thủ thỉ trò chuyện.
Với tính cách hướng nội, bà Dậu không thích giao lưu hay tham gia các hoạt động tập thể. "Thế giới" của bà là từ nhà ra đến vườn. Suốt ngày, bà lọ mọ làm hết việc nọ đến việc kia. Mỗi tuần, gia đình con gái ở Hà Nội lại về thăm mẹ. Con gái bà mua đồ ăn và chế biến sẵn thức ăn trong 1 tuần cho mẹ. Đến bữa, bà chỉ việc mang ra đun lại. Thời gian gần đây, bà bị bệnh alzeimer nên bị lẫn và quên nhiều. Khi con gái ngỏ ý đón bà lên Hà Nội chăm sóc, bà kiên quyết không đi. Con của bà đành thuê một người sống gần đó sang ở cùng bà. Những ngày dịch bệnh này, khi con cái không thể về thăm mẹ, bà thẫn thờ mong ngóng nhưng bị lẫn nên nhiều lần bà cất điện thoại ở đâu cũng không biết. Mẹ con không gọi được cho nhau, lòng như lửa đốt.
Bài sau: "Toa thuốc" chống cô đơn