Quĩ, phí oằn vai: Dân thức trắng đêm chờ tố khổ

15/09/2016 - 07:00
Biết tin Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá về đối thoại với người dân về việc thực hiện các quy định về thu phí, lệ phí… nhiều người dân xã Hà Vinh đã thức trắng đêm chờ đến giây phút để được gặp và bày tỏ bức xúc lâu nay.

Đưa con chưa khai sinh đến làm “bằng chứng”

Như PNVN đã thông tin, sáng 14/9, bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Hà Vinh, huyện Hà Trung về tình hình thực hiện các quy định về thu phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp của nhân dân trên địa bàn xã. Tham gia buổi đối thoại còn có lãnh đạo nhiều sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Hà Trung.

Trước đó, báo PNVN và một số cơ quan báo chí khác đã có loạt bài phản ánh về việc xã Hà Vinh và các thôn tổ chức thu nhiều khoản quĩ, phí mỗi năm 2 vụ. Khi người dân còn nợ các khoản đóng góp bị chính quyền xã “treo dấu” (không đóng dấu vào các giấy tờ cho người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính). Thậm chí xã còn thực hiện việc “cưỡng chế tài sản”, tính lãi suất "cắt cổ" của các hộ nợ tiền gây bức xúc trong nhân dân…

10.jpg
Từ sáng sớm, người dân đã có mặt tại UBND xã Hà Vinh để được đối thoại với lãnh đạo tỉnh

Từ chiều hôm trước, dù không được thông báo nhưng qua một số nguồn tin, người dân xã Hà Vinh biết có Phó chủ tịch UBND tỉnh về nên ai cũng hồi hộp chờ đợi. Tối ngày 13/9, người dân đã tập hợp thành từng nhóm bàn tán sôi nổi. Mỗi người một bức xúc và ai cũng mong đến sáng mai sẽ được “trút bầu tâm sự” với lãnh đạo của tỉnh.

Ông Phạm Khắc Trường, thôn 11 cho biết: “Chúng tôi không hề được xã thông báo nhưng vẫn biết có lãnh đạo tỉnh về. Đây là dịp hiếm có để chúng tôi nói lên nỗi bức xúc của mình. Hôm qua, nhiều người đã tụ tập nhau lại chuyện trò đến 2h sáng. Riêng tôi trắng đêm không thể ngủ và chỉ mong trời mau sáng”.

07.jpg
Em bé theo mẹ đến gặp PCT tỉnh Thanh Hóa để 'làm bằng chứng'

Theo lịch, 8h45 buổi đối thoại mới bắt đầu nhưng từ 6h sáng, người dân đã bắt đầu kéo đén UBND xã Hà Vinh. Mỗi người một tập giấy trên tay, đó là phiếu thu các khoản được người dân cất giữ cẩn thận trong nhiều năm. Ai cũng lộ rõ sự hồi hộp và cả lo lắng. Có rất nhiều em nhỏ mới 3-4 tuổi cũng theo bố mẹ, ông bà đến dự. Người thân của các bé cho biết, họ đưa cháu nhỏ đến để cho lãnh đạo tỉnh biết rằng, các cháu hiện vẫn chưa được xã làm giấy khai sinh do bố mẹ chúng còn nợ tiền đóng sản. Có cháu vì nhà nghèo nên bố mẹ “trốn” không làm khai sinh cho con.

Gần đến giờ đối thoại, hội trường UBND xã đã chật kín người. Khi buổi đối thoại chưa diễn ra, từ phía sau hội trường đã bắt đầu xẩy ra cãi vã.

Một người đàn ông trung tuổi mặc quần soóc xông vào hội trường và liên tục nói: “Tôi phải được vào dự, tôi phải nói với lãnh đạo tỉnh”. Sau khi được trực tiếp bà Thìn hỏi han, động viên người đàn ông mới bình tĩnh và ngồi xuống ghế.

08.jpg
Bà Thìn chia sẻ với những bức xúc của anh Thịnh khi anh nói phải đi mượn mới có chiếc quần soóc mặc để diện kiến lãnh đạo tỉnh.

Chính người này cũng được bà Thìn đề nghị được nói đầu tiên. Anh cho biết, tên là Phạm Khắc Thịnh, ở thôn 11 xã Hà Vinh. Anh Thịnh nói: “Tôi đến xã thì công an xã không cho vào hội trường với lý do… tôi mặc quần soóc. Thế nhưng, nói thật lòng là đến chiếc quần này tôi cũng phải đi mượn mới có để mặc hôm nay”.

Anh Thịnh thắc mắc 2 vấn đề: Thứ nhất là việc xã Hà Vinh không làm giấy khai sinh cho con anh là Cháu Phạm Tuấn Long (3 tuổi) vì bố mẹ đang nợ tiền sản. Thứ 2 là bố anh Thịnh là ông Phạm Khắc Thuật đã 82 tuổi nhưng vẫn phải đóng góp rất nhiều khoản.

Anh Thịnh nói: “Tôi muốn kiến nghị với các cấp lãnh đạo rằng, con tôi đã hơn 3 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Nhiều lần lên xã họ nói nhà tôi đang nợ tiền đóng góp nên không được làm giấy khai sinh. Tôi chỉ mong muốn làm được cái giấy khai sinh cho con để con được đi học. Về vấn đề lạm thu, bố tôi đã 82 tuổi, đang hưởng trợ cấp người già nhưng thôn vẫn thu thuế của bố tôi?". Phát biểu của anh Thịnh nhận được sự hưởng ứng của người dân. 

Sau ý kiến của anh Thịnh, nhiều người dân cũng được mời phát biểu "đối chất" với cán bộ thôn, xã về vấn đề lạm thu cũng như những tiêu cực ở địa phương này. Hội trường xã Hà Vinh đang dần nóng lên, nhiều vấn đề tiêu cực đang được làm rõ.

06.jpg
Con trai và bố đẻ anh Thịnh. Đứa trẻ không được khai sinh còn ông cụ thuộc diện hưởng trợ cấp người già vẫn phải đóng các khoản quĩ, phí. 

Cũng tại thôn 11, anh Phạm Khắc Trường cho rằng người dân đang phải đóng góp quá nhiều, trong khi đó việc thu chi lại không rõ ràng. “Về vấn đề này từ năm 2012 báo chí đã phản ánh, bản thân ông Bí thư huyện ủy Đào Xuân Yên lúc đó nói sẽ xử lý nghiêm nhưng đến nay mọi việc vẫn đâu vào đấy”, anh Trường nói.

Tiếp tục liên quan đến đóng góp và vẫn là thôn 11, bà Nguyễn Thị Suy cũng yêu cầu làm rõ khoản nợ nhà bà Suy đang thiếu… Trước việc có nhiều ý kiến của thôn 11, ông Phạm Khắc Bảy – trưởng thôn - được mời lên trả lời. Tuy nhiên, khi ông Bảy vừa lên nói được vài câu, ở dưới hội trường mọi người đã đứng lên phản đối. Thậm chí anh Trường còn lên giật micro yêu cầu ông Bảy không nói nữa.

Hội trường UBND xã Hà Vinh vẫn tiếp tục “nóng” khi anh Vũ Văn Niên (thôn 11) dắt theo con gái 3 tuổi lên phát biểu. Anh Niên cho biết, anh ở chung với bố mẹ nhưng vì bố mẹ đang nợ tiền sản nên anh đã không được xã cấp giấy giới thiệu làm chứng minh thư nhân dân.

02.jpg
Anh Niên dẫn cả con lên để giãi bày tâm sự

Trước đây, em gái anh Niên lấy chồng, xã cũng không làm giấy đăng ký kết hôn. Đến lượt anh Niên lấy vợ cũng phải đưa cho trưởng thôn 1 triệu mới có được giấy đăng ký kết hôn. Bây giờ anh Niên lo lắng, con anh sẽ không làm giấy tờ để đi học. Sổ đỏ của nhà anh Niên cũng đang bị trưởng thôn giữ…

Chị Mai Thị Huệ (thôn 10) lại cho rằng, hiện con em trong xã đi học phải đóng góp quá nhiều. Nhà trường thu, xã cũng thu, vậy số tiền đó đi đâu. Còn bà Nguyễn Thị Lụa (thôn 11) phản ánh, gia đình bà là hộ nghèo nhưng không được miễn bất kỳ khoản đóng góp nào (kể cả quĩ an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai). Một hộ gia đình nghèo khác cũng “tố” vì nợ sản nên xã không cho con gái xác nhận để làm hồ sơ đi học…

Dường như thời gian một buổi sáng là quá ít để người dân bộc bạch hết những bức xúc của mình. Người dân thôn 11 vì nhiều bức xúc nên đã “chiếm” hết thời gian khiến nhiều cánh tay của người dân ở các thôn khác giơ lên đã không được phát biểu.

 Dân hy vọng không như ném đá ao bèo?

Vợ chồng chị Hoàng Thị Ngọc đã đưa con gái SN 2014 đến để phản ánh việc nhà chị Ngọc nghèo nhưng phải đóng góp quá nhiều khiến con gái út là cháu Hoàng Anh hiện vẫn phải “trốn” khai sinh. Chị Ngọc cũng muốn lên sân khấu để “tố” lãnh đạo xã từng đến nhà chị Ngọc bắt lợn trừ sản.

Tương tự, anh Hiếu (thôn 5) mang bức xúc về việc trưởng thôn làm thất thoát 70 triệu đồng tiền làm đường nay đã bị cách chức nhưng tiền thì không hoàn trả được. Nhà chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 11), anh Mai Văn Cảnh (thôn 10) bị bắt bò nhưng họ cũng không có cơ hội "tố" lên PCT tỉnh…

03.jpg
Anh Trường lên "cướp diễn đàn" buộc trưởng thôn 11 phải lùi lại phía sau

Vì nhiều bức xúc chưa được giãi bày nên cuối buổi PCT tỉnh Lê Thị Thìn chỉ “chốt” lại: “Những vấn đề đóng góp ở xã Hà Vinh, tập trung sai phạm nằm ở thôn 11”.

Như vậy, những sai phạm ở thôn khác hay chuyện bị xã tịch thu tài sản, một việc được xem là bất nhẫn của chính quyền xã Hà Vinh, xem như đã bị bỏ qua.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Tuấn -  Chủ tịch UBND huyện Hà Trung - tuyên bố: “Yêu cầu lãnh đạo xã Hà Vinh chỉ đạo các cán bộ chuyên môn chấm dứt ngay việc thu nợ với việc xác nhận giấy tờ cho bà con. Nếu huyện phát hiện còn tình trạng gây khó dễ cho người dân, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm về việc này”.

05.jpg
Đánh giá cao sự có mặt kịp thời của bà Lê Thị Thìn để lắng nghe những bức xúc của người dân xã Hà Vinh nhưng nhiều người cũng lo lắng có những sai phạm sẽ bị "đánh chìm".

Dù chưa nói hết những tồn tại đang xẩy ra tại xã Hà Vinh nhưng nhiều người dân hy vọng, qua báo chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã nắm được và sẽ có những chỉ đạo xử lý nghiêm túc chứ không chỉ như ném đá ao bèo.

Bên cạnh đó nhiều người cũng lo lắng, việc xử lý sai phạm chỉ tập trung vào thôn 11, các thôn khác sẽ bị bỏ qua. Đặc biệt, việc cưỡng chế tài sản mới là sai phạm lớn những rất dễ bị “chìm” khi trong chỉ đạo cuối buổi đối thoại không hề thấy PCT tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn nhắc đến việc này.

(Còn nữa)

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm