Quĩ, phí oằn vai: Hộ nghèo khó cũng bị xã bắt bò

11/09/2016 - 07:00
Chuyện bắt bớ, cưỡng chế tài sản của người dân cứ ngỡ như là chuyện xẩy ra từ thời phong kiến. Thế nhưng, tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) “ác mộng” mang tên tịch thu tài sản vẫn diễn ra tận năm 2014.

Người dân xã Hà Vinh cho biết, khoảng hơn 1 năm nay, chính quyền xã mới không áp dụng hình thức “bắt nợ” người dân bằng việc “cưỡng chế” tài sản. Đến tận cuối năm 2014, nhiều hộ dân trong xã nợ tiền đóng góp vẫn bị cán bộ xã, thôn đến tận nhà đòi bò hay bắt bớ tài sản.

Gia đình anh Mai Văn Cảnh, thôn 10 là một trong những hộ gia đình bị chính quyền thôn, xã đến nhà "cưỡng chế" mất con bò.

Nhà anh Cảnh nằm hun hút trong một khe núi, bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi sừng sững. Để vào nhà anh Cảnh, chúng tôi phải gửi xe sau đó cuốc bộ. Sau những ngày mưa, đường vào nhà anh Cảnh nhão nhoẹt, lầy lội.

15.jpg
Nhà anh Cảnh nằm hun hút trong khe núi


Hôm chúng tôi đến, bố con anh Cảnh đang chăm sóc đôi bò cái sau vườn nhà. Hỏi chuyện bị xã “tịch thu” mất bò, anh Cảnh chỉ vào con bò lớn: “Chính là con bò này. Lúc bị xã “cưỡng chế” nó đang chửa, giờ bò đã sinh thêm được con bê cái”.

Anh Cảnh cho biết, vụ chiêm năm 2014 gia đình anh nợ tiền đóng góp cho thôn tổng cộng 4,2 triệu đồng. Đã nhiều lần bị trưởng thôn nhắc nhở nhưng vợ chồng anh Cảnh không xoay đâu ra số tiền lớn như vậy để trả.

Trước đó, nhờ cái danh “hộ cận nghèo”, nhà anh Cảnh vay được 20 triệu đồng từ ngân hàng. Số tiền đó, anh Cảnh mua một con bò cái để nuôi sinh sản. “Gần trưa, một đoàn cán bộ gồm có thôn trưởng, công an xã và “trưởng đoàn” là ông Phó chủ tịch xã Nguyễn Quang Tuấn đến nhà. Họ nói đến nhà tôi để tịch thu tài sản vì nhà tôi nợ tiền đóng góp”, anh Cảnh kể lại.

Đoàn đi cưỡng chế đưa ra yêu cầu, nếu không muốn bị dắt bò, nhà anh Cảnh phải đóng một phần trong tổng số tiền nợ. Thế nhưng, yêu cầu đó khác gì thách đố đối với một gia đình quá khó khăn như nhà anh Cảnh.

Cuối cùng, vợ chồng anh Cảnh đành ngậm ngùi nhìn “đoàn công tác” dắt mất con bò. Bò được đưa về nhà văn hóa thôn 10. Theo quy định, mỗi một con vật khi bắt về, nếu để lưu qua đêm sẽ phải trả tiền trông coi. Lo sợ con bò nhà mình bị bỏ đói lại mất thêm một khoản trông coi, suốt cả buổi chiều hôm đó, vợ chồng anh Cảnh phải chạy vạy khắp nơi vay tiền.

10.jpg
Anh Cảnh bên con bò từng bị xã "bắt nợ"

Có được hơn 2 triệu đồng trong tay, vợ chồng anh Cảnh đến nhà ông Nguyễn Văn Thuấn, trưởng thôn 10, để nộp tiền và “chuộc” lại con bò. Hôm đó, “xin” được bò về nhưng nhà anh Cảnh vẫn phải nợ lại 1,7 triệu đồng.

Bây giờ, con bò “kỷ niệm” đó vẫn là tài sản lớn nhất trong gia đình anh Cảnh. Nhờ được chăm sóc tốt, con bò béo ú. “Hy vọng, với 2 con bò sinh sản sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo”, anh Cảnh chia sẻ.

Cũng như gia đình anh Cảnh, năm 2014 gia đình anh Vũ Văn Tuân (1969) ở thôn 5 cũng bị cán bộ xã đến nhà cưỡng chế mất chiếc xe máy. Vợ anh Tuân -  chị Vũ Thị Mai  (SN 1971), cho biết: “Nhà tôi bị “bắt” mất xe máy vào cuối năm 2014. Lần đó, nhà tôi chỉ nợ hơn 1 triệu nhưng vẫn bị lãnh đạo xã, thôn đến lấy mất xe máy. Sau nửa tháng, tôi mới mang tiền đến nhà ông thôn trưởng Đặng Thông Tin “chuộc xe về”.

Nhà chị Mai có 6 khẩu. Do đường liên thôn tại thôn 5 hầu hết đã được bê tông hóa nên đóng góp mỗi vụ của gia đình chị Mai cũng ít hơn các thôn khác rất nhiều. Theo đó, vụ chiêm năm 2014 nhà chị Mai phải đóng 3,2 triệu đồng tiền các loại. Vụ mùa năm đó nhà chị Mai tiếp tục phải đóng 3,1 triệu.

Với số tiền trên nhưng cả 2 vụ trong năm 2014 nhà chị Mai đều không đóng đủ do đó đã bị cán bộ đến nhà bắt mất xe máy. "Ngày đó họ định khiêng bộ bàn ghế. Thế nhưng, tôi bảo đó là bộ bàn ghế của ông nội gửi nên họ chuyển sang "bắt" xe máy. Dù chỉ là chiếc xe máy "Tàu" nhưng năm đó nửa tháng không có xe đi lại nhà tôi vô cùng khốn khổ", chị Mai tâm sự.

11.jpg
Nhà chị Mai bị thu mất chiếc xe máy "Tàu"

Vụ Chiêm năm 2016, gia đình chị Mai phải đóng 1,9 triệu đồng. Đến thời điểm này nhà chị Mai vẫn nợ số tiền này. Với "cơ chế" mới, nhà chị Mai sẽ không bị tịch thu tài sản. Tuy nhiên, nếu cần xin xác nhận, xã Hà Vinh sẽ không cho dấu.

Tại thời điểm nhà chị Mai bị thu xe máy, một hộ khác là gia đình Nguyễn Văn Sấu, ở thôn 5, cũng bị cán bộ đến nhà "bắt nợ" mất chiếc xe máy. Anh Sấu cho biết, vào thời điểm đó, nhà anh nợ hơn 3 triệu đồng tiền đóng góp. "Xã xuống nhà tôi lập biên bản "tạm giữ tài sản" rồi lấy mất chiếc xe máy", anh Sấu kể lại.

Anh Sấu cũng nói rằng, việc xã "cưỡng chế" tài sản là việc làm quá bất nhẫn bởi thời điểm đó nhà anh quá khó khăn. Anh Sấu sau đó đã làm đơn lên huyện tố cáo việc bị xã thu xe nhưng cuối cùng chẳng ai giải quyết...

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm