Quốc hội giám sát thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở 5 lĩnh vực

PVH
22/09/2021 - 17:26
Quốc hội giám sát thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở 5 lĩnh vực

Phạm vi giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công. Ảnh minh họa: KT

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Quốc hội sẽ tập trung giám sát ở 5 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động ở khu vực công.

Ngày 22/9, tiếp tục hương trình Phiên họp thứ 3,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, cho biết: Đối tượng giám sát theo nội dung này gồm: Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; Doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phạm vi giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công (không giám sát nội dung này ở khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Trong đó, tập trung 5 lĩnh vực là: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Thống nhất với 5 lĩnh vực giám sát nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, riêng đối với giám sát Quản lý, sử dụng lao động, nên tập trung giám sát vào việc sắp xếp tinh gọn, quản lý bộ máy ở các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các cấp; xem xét việc tổ chức bộ máy của các cơ quan đã được sắp xếp khoa học và đảm bảo tinh gọn đầu mối quản lý, giảm được chi thường xuyên.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" là chuyên đề nhận được mong muốn, kỳ vọng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các đoàn giám sát nên có giám sát tổng quát kết hợp với giám sát chi tiết một số lĩnh vực. Ví dụ trong giám sát về Quản lý, sử dụng lao động nên căn cứ vào báo cáo tổng quát về lĩnh vực này và cả theo báo cáo về tinh giản bộ máy, biên chế.

Quốc hội giám sát việc quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động ở khu vực công - Ảnh 2.

Phiên thảo luận về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Ảnh quochoi.vn

Hiện nay khối công chức của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ quỹ lương hàng năm không lớn nhưng xác định biên chế sự nghiệp thế nào để tiết kiệm lại là một vấn đề khó, chưa thống nhất cao về nhận thức cũng như tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương phát triển, xã hội hoá tốt có khi không cần nhiều biên chế sự nghiệp. Song, những đô thị khác cũng cần tăng cường xã hội hoá hơn nữa để dành biên chế cho nơi khó khăn. Có địa phương dành được nhiều ngân sách cho chi đầu tư phát triển, có địa phương lại chi thường xuyên lớn hơn. Vì vậy, các đoàn giám sát cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan chỉ rõ hơn được nơi nào cần nhân lực thực sự, nơi nào cần tinh giản để tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý nội dung giám sát cũng nên tập trung vào đầu tư công, sử dụng ngân sách vì chi cho họp hành, lễ tân, đi nước ngoài vẫn còn lãng phí; công trình, dự án xây dựng dở dang kéo dài. Đoàn giám sát phải nêu rõ được có bao nhiêu "dự án treo" nằm ở đâu, địa chỉ của ai và thực hiện quy định pháp luật thế nào, phải yêu cầu địa phương báo cáo kỹ rồi kiểm tra chéo sao cho chính xác, khách quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm