Quốc hội quyết định Ngày bầu cử khóa mới là ngày Chủ nhật 23/5/2021

VOV
17/11/2020 - 15:03
Quốc hội quyết định Ngày bầu cử khóa mới là ngày Chủ nhật 23/5/2021
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, trong điều kiện bình thường, dự kiến là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Sau khi xem xét, chiều nay (17/11), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, trong đó ấn định Ngày bầu cử là Chủ nhật, ngày 23/5/2021 như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tỷ lệ đại biểu 465/466 tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,47% tổng số đại biểu Quốc hội)

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Úy ban Trung ương Mặt trận Tố quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này” – Nghị quyết nêu rõ.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tại Điều 4 quy định: “Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp” và Điều 5 quy định: “Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử”.

Quốc hội quyết định Ngày bầu cử khoá mới là ngày Chủ nhật 23/5/2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 20/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Cùng với đó, lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ.

Bộ Chính trị quán triệt kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ Chính trị, cần phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đặc biệt, phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Bộ Chính trị yêu cầu trong quy trình bầu cử phải quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khóa gần đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm