Quốc hội thảo luận báo cáo Bình đẳng giới tại kỳ họp thứ 4

20/10/2017 - 17:52
Ngày 20/10 Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì.

Kỳ họp sẽ khai mạc ngày 23/10 và dự kiến bế mạc ngày 24/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 06 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

hopbaophuc.jpg
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đình Nam 

 

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nội dung báo cáo gồm 04 phần: Tình hình triển khai Luật bình đẳng giới; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Đánh giá, kiến nghị; Phương hướng và giải pháp.

Báo cáo đã đề cập đến một số hạn chế trong thực hiện bình đẳng giới: Việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn; Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn tồn tại một số quy định tạo ra sự khác biệt trong thụ hưởng chính sách giữa nam và nữ trong đó phần lớn phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn so với nam giới như quy định về cách tính lương hưu sau năm 2018; Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra thì chỉ có 6 chỉ tiêu đạt và có đến 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được; Công tác thống kê, báo cáo số liệu có tách biệt giới tính còn đang gặp nhiều khó khăn...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, phân tích một số hạn chế, báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và phương hướng, giải pháp nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm