Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt khâu thẩm định sách giáo khoa mới

D.H
17/11/2020 - 17:48
Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt khâu thẩm định sách giáo khoa mới
Chiều 17/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn. Các nội dung chất vấn về chương trình, SGK mới được Quốc hội yêu cầu cần kiểm soát chặt khâu thẩm định SGK mới.

Với tổng số ĐBQH tán thành là 460/464 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt 95,44% tổng số ĐBQH), chiều 17/11 Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn nhiệm kỳ khóa XIV.

Trong rất nhiều nội dung được thông qua, Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh việc quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm, Chính phủ tiếp tục triển khai kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 - 2025 ổn định, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng.

Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt khâu thẩm định sách giáo khoa mới - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn nhiệm kỳ khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

Cùng với đó, sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, về hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Quốc hội cũng yêu cầu năm 2021, Chính phủ ban hành khung giá dịch vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số.

Liên quan đến công tác dạy nghề, Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%.

Liên quan đến công tác trẻ em, Quốc hội yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", mua bán người, xâm hại trẻ em, làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

"Có giải pháp bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo" – Nghị quyết nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm