pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sách giáo khoa tiếng Việt có lỗi, sai sót
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn
Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu trước nghị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết vấn đề sách giáo khoa thời gian qua đã có nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GD&ĐT, cho ngành giáo dục để có một bộ sách giáo khoa thật tốt.
Theo Điều 32, Khoản 3 Luật Giáo dục quy định rất rõ về trách nhiệm ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến việc phê duyệt sách như thế nào đều được quy định; trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và tất cả các khâu thực hiện sách giáo khoa.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, như đại biểu Quốc hội đã nói: "Sai đến đâu, sai mức nào thì phải do cơ quan chuyên môn đánh giá". Qua các lần làm việc "tôi có thể nói là bộ sách giáo khoa đã được biên soạn, nhưng cuốn tiếng Việt của nhóm Cánh diều và đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn".
Phó Thủ tướng lưu ý: "Lỗi này cần phải được tiếp thu một cách cầu thị một cách rất khoa học. Có những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới bắt đầu đi học thì người bình thường không hiểu, thì phải có trao đi đổi lại một cách rất cởi mở nhưng trên hết là cầu thị".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, với Chính phủ, trong đó, "Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ là có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó là trách nhiệm cho luật định thuộc về Bộ trưởng phải chỉ đạo".
Việc này Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phải hết sức lưu ý bởi những sai sót này "có thể tránh được, phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc", và nghiêm khắc để cho quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa các lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy nữa.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước đây chúng ta chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Bây giờ một chương trình, nhưng nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy sáng tạo, để không độc quyền. Vì thế, "dù có một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn ngày xưa".
Bộ GD&ĐT sẽ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp đông đảo của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là toàn thể nhân dân.
Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT cần phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên mạng để trong quá trình thẩm định, mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ sẽ góp ý. Qua đó, "chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu, để toàn xã hội đồng thuận, vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước đều vì con cháu", Phó Thủ tướng nói.