Quy định cấm quấy rối tình dục nơi làm việc chỉ nằm trên giấy?

20/07/2018 - 15:59
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc vẫn diễn ra âm ỉ, nhức nhối, gây bức xúc cho nhiều lao động nữ. Mặc dù trong luật có quy định nghiêm cấm hành vi này nhưng việc thực hiện trên thực tế lại không có nhiều hiệu quả.

Tại diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, TS. Trần Thị Hồng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho rằng thực hiện quyền được đảm bao an toàn cho lao động nữ ở các doanh nghiệp, nơi làm việc, trong đó pháp luận quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng, Bộ luật này “không thể ngăn chặn một cách hiệu quả hành vi quấy rối tình dục và bảo vệ nạn nhân”, vì chưa đưa ra được một định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục và cũng chưa bắt buộc người sử dụng lao động có biện pháp ngăn chặn và thiết lập các thủ tục khiếu nại cho người lao động khi bị quấy rối.

Trong khi pháp luật quy định người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhằm bảo vệ người lao động nhưng trên thực tế, thiếu định nghĩa rõ ràng “thế nào là quấy rối tình dục”  thì có thể dẫn đến tranh chấp lao động khi áp dụng điều khoản này".

quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec.png
Các hình thức quấy rối tình dục

 

Theo bà Trần Thị Hồng, thời gian qua giới chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động và cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó có nêu rõ các hình thức quấy rối tình dục, trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, Bộ quy tắc này mới chỉ được “khuyến khích” áp dụng trên cơ sở tự nguyện tại các doanh nghiệp công và tư.

Tại Việt Nam, đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo khảo sát trực tuyến của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), có 17% số người được hỏi cho biết “đã từng nhận được đề nghị liên quan đến tình dục để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc”. Ngoài ra, có tới 50% công ty được khảo sát không có các chính sách phòng chống quấy rối tình dục theo như quy định.

Gần đây nhất, Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, tiến hành khảo sát và cho thấy việc thực hiện quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc có sự khác nhau trong từng công ty và loại hình doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp chỉ dừng lại ở “quy định về nguyên tắc quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm”, mà ít có doanh nghiệp quy định rõ ràng hơn về hành vi này như: Mô tả rõ thế nào là quấy rối tình dục và quy trình khiếu nại, xử lý vi phạm.

quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec.jpg
Có 17% số người được hỏi cho biết “đã từng nhận được đề nghị liên quan đến tình dục để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc”. Ảnh minh họa

 

Đặc biệt, theo bà Trần Thị Hồng, quy định pháp lý thiếu cụ thể đã dẫn đến khó thực hiện trên thực tế. Cũng bởi thiếu định nghĩa cụ thể, thiếu những hướng dẫn về quy trình khiếu nại, xử lý vi phạm tình trạng quấy rối tình dục nơi làm việc nên xử phạt các hành vi vi phạm còn rất hạn chế, thiếu tính răng đe.

Đồng thời, cũng cần tuyên truyền định hướng để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân hiểu và coi trọng việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo an toàn cho lao động nữ như một chính sách quan trọng thu hút nguồn nhân lực, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm