Quyền lợi BHXH của người lao động chưa giải quyết triệt để ở doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

21/12/2018 - 09:59
Hiện nay, có khoảng 60.000 lao động phải chịu thiệt thòi vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ nước ngoài bỏ trốn, còn nợ tiền BHXH lên tới 1.000 tỷ đồng. Trong khi vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho những lao động này.

Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về biện pháp xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo vệ lợi ích người lao động tại các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, đặc biệt là doanh nghiệp phá sản, có chủ nước ngoài đã bỏ trốn.

Thủ tướng cho biết: Thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua đó đã từng bước hạn chế được tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được giải quyết kịp thời hơn.

Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Về xây dựng chính sách bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án và xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, vấn đề này lại gặp vướng mắc do Luật BHXH, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp nói trên, nên vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định đối với các trường hợp này.

Doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ nước ngoài bỏ trốn, còn nợ tiền BHXH của người lao động lên tới 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội tới người lao động.

Đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, cụ thể là số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của từng người cụ thể… để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động).

Cùng với đó là đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. 

Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN nhằm ngăn chặn tình trạng nợ đóng BHXH tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 16 điều.

Đáng chú ý là Điều 14 quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm