Tại sao ở ngoài đường thế này nhưng về nhà lại thế khác. Sự thay đổi tính cách ấy do đâu?
Chị Thanh, bạn tôi, hỏi: “Có phải con người ta mang nhiều bộ mặt không?”. Nghe câu hỏi đầy tính “triết học” ấy, tôi bèn giả lả: “Mỗi người chỉ có 1 khuôn mặt thôi. Ngoại trừ ai đó đi thẩm mỹ viện “đại tu” nhan sắc”. Câu đùa không phải lối ấy khiến chị nghiêm nét mặt: “Tôi hỏi thật mà anh cứ cà rỡn”. Rồi chị tâm sự: “Lúc đi ra đường, ông xã tôi ga-lăng không chê vào đâu được. Tiệc tùng đông đúc bạn bè, anh luôn tỏ ra quan tâm vợ từng chút. Thỉnh thoảng buông vài câu nịnh vợ nghe bùi cả tai, mát cả ruột. Ai cũng khen nhà tôi chiều chuộng, thương vợ”.
Đột ngột chị “chuyển tông”. Đại khái, tính cách ấy chỉ để “làm màu” với thiên hạ, chứ về đến nhà, anh Tiến, chồng chị, lại thay bằng 1 bộ mặt khác hẳn. Anh trở nên lầm lì, ít nói và chẳng thèm mó tay vào chuyện gì, tất tần tật cứ để vợ lo liệu, từ bếp núc đến đưa đón con đi học; ngay cả cái máy bơm nước trục trặc, hết gas... Chị nhờ phụ một tay hoặc hỏi han gì, anh cứ như người “trên cung trăng”, thích thì ư hữ vài câu, bằng không câm như thóc!
***
Không riêng gì anh Tiến, có những người đàn ông được đồng nghiệp, bà con chòm xóm khen ngợi vì họ chẳng nề hà việc gì. Ai nhờ cậy là giúp đỡ ngay, không phàn nàn. Đã thế, con người tốt bụng ấy lại biết ăn nói hài hước, khiến không ít cô thầm nghĩ: “Ông xã mình chỉ cần bằng một phần mười anh ấy thì tốt quá”. Nhầm to. Bởi cũng anh chàng ấy, nhưng quay về nhà, lạ ghê, lại mang cái bộ mặt khác.
Những câu nói bông phèng, dí dỏm, lịch sự rớt ngoài cửa rồi thì phải, thay vào đó là câu mệnh lệnh, cáu gắt, phê phán hoặc nói năng nhát gừng, dấm dẳng... (Ảnh minh họa) |
Vài người bạn của tôi ganh tị với anh Hưng vì lúc cà phê, họp mặt cùng bạn bè, chị Súy, vợ anh, luôn là nhân vật “trung tâm”. Này nhá, chị biết đàn, hát, kể chuyện tiếu lâm, vừa bắt chuyện người này, vừa hỏi han người kia nhưng không hề quên chồng sờ sờ bên cạnh. Thỉnh thoảng, chị giòn giã: “Phục vụ đâu? Cho thêm đá” rồi chị bộc bạch: “Tớ biết tính anh xã của mình lắm. Hễ uống cái gì cũng phải có đá. Tớ cằn nhằn uống đá nhiều dễ hư răng nhưng có cấm được đâu”; lại quay sang chồng véo von: “Thôi kệ, chẳng sao cả, miễn chồng thích là em chiều”. Quan sát những cử chỉ chăm sóc của chị, có người đã nén tiếng thở dài: “Phải chi vợ mình cũng “tâm lý” như vậy thì tốt quá”.
Ấy thế, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Theo lời anh Hưng, những lúc ở nhà thì âm điệu từng câu nói của chị lại khác hẳn. Tính cách xởi lởi, vui vẻ, dễ hòa đồng trốn biệt mất tiêu. Có những lúc cơm nước xong, cả nhà ngồi xem tivi, anh muốn trò chuyện, trao đổi về bộ phim đang xem hoặc bàn luận vấn đề thời sự, lập tức bị vợ chặn ngang họng: “Anh để cho em yên có được không?”. Rồi những lúc không vừa ý chuyện gì, y như rằng: “Anh vô tích sự nhất trên đời”, chứ không phải câu “mắng yêu” như lúc ngồi trước mọi người.
***
Có những trường hợp cũng éo le không kém. Khi ở nhà, cả 2 khó có thể tìm được lời nói ngọt ngào, thái độ âu yếm, cử chỉ quan tâm đến nhau, thế nhưng ra chốn đông người lại khác. Họ cứ ríu ra ríu rít như đôi vành khuyên tâm đầu hợp ý. Rời khỏi nơi ấy, họ lại cởi bỏ mặt nạ “cặp đôi hoàn hảo” để trở lại với sự tẻ nhạt, “chuyện ai nấy biết, việc ai nấy làm”. Lại có những người hễ mở miệng là chê ỏng chê eo “một nửa” từ cách ăn mặc, đi đứng, thu nhập… nhưng trước “bàn dân thiên hạ” thì khen ngợi hết lời. Đố người ngoài có thể biết, “tưởng dzậy mà hổng phải dzậy”!
Lâm vào tình huống này, nhiều người đã tự hỏi: Có phải mình đã phạm lỗi lầm gì nên “nửa kia” mới tỏ thái độ tiêu cực (Ảnh minh họa) |
Hoặc giả do sự giao tế, nhu cầu công ăn việc làm, cần tạo mối quan hệ nên vợ/chồng buộc phải “đeo mặt nạ” để phù hợp với xung quanh? Không bàn đúng - sai ở đây, nhưng thiết nghĩ, đã là vợ chồng với nhau, chẳng việc gì phải đeo bất kỳ bộ mặt nào. Sự thể hiện ấy, ban đầu tưởng rằng, đem lại sự hãnh diện, hài lòng nhưng sao không nghĩ, chứng kiến sự giả tạo đó khiến “nửa kia” ngán ngẩm đến nhường nào?