Rào cản và giải pháp xóa rào cản tham chính của phụ nữ

PVH
31/08/2023 - 11:49
Rào cản và giải pháp xóa rào cản tham chính của phụ nữ

Chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo “Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới”

Thực tế hoạt động của cán bộ nữ ở cơ sở đã cho thấy để hoàn thành tốt vai trò của mình, cán bộ nữ đang phải nỗ lực nhiều hơn nam giới; vừa nỗ lực về năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa nỗ lực để xóa bỏ định kiến về vai trò giới đang tồn tại.

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ - Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, TS Trần Thị Hồng, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, cho rằng, thực tế hiện nay, định kiến giới về vai trò lãnh đạo của cán bộ nữ là rào cản ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự tham gia của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cơ sở. 

Đặc biệt, định kiến này tồn tại ở cả người đứng đầu tổ chức, đồng nghiệp, làm cản trở việc thực thi vai trò và sự đóng góp của cán bộ nữ. Định kiến giới cũng tồn tại ở cộng đồng, gia đình và trong bản thân người phụ nữ. Những rào cản này làm giảm sự tham gia, sự cống hiến của cán bộ nữ trong công việc. 

Thực tế hoạt động của cán bộ nữ ở cơ sở đã cho thấy để hoàn thành tốt vai trò của mình, cán bộ nữ đang phải nỗ lực nhiều hơn nam giới; vừa nỗ lực về năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa nỗ lực để xóa bỏ định kiến về vai trò giới đang tồn tại.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 trên 30% thì chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu dù những năm qua các chỉ số này có nhiều cải thiện. 

Rào cản và giải pháp xóa rào cản tham chính của phụ nữ - Ảnh 1.

Vì vậy, cần phải có giải pháp tích cực, chủ động mới có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Theo TS Nguyễn Hải Hữu, để đạt tỷ lệ như mục tiêu đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. 

Ông Nguyễn Hải Hữu cho rằng, việc luật hóa các tiêu chí về ứng cử viên nam và nữ tham gia các cấp ủy Đảng, Quốc hội, HĐND các cấp cũng là một giải pháp tích cực thúc đẩy bình đẳng giới.

Đồng quan điểm về vai trò của người đứng đầu, TS Phan Thuận, thuộc Học viện Chính trị Khu vực IV, cho rằng: Sự quan tâm hoặc không quan tâm của người đứng đầu đều tác động mạnh mẽ đến kết quả thực hiện bình đẳng giới trong chính trị. 

Do đó, cần đưa ra "tiêu chí kiến thức bình đẳng giới trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch" với người đứng đầu, qua đó khiến lãnh đạo hiểu và quan tâm hơn đến bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm