Rộ lên tội phạm giả mạo công an chiếm đoạt tài sản: Phân tích từ chuyên gia tội phạm học

Nguyễn Long
18/12/2020 - 07:17
Rộ lên tội phạm giả mạo công an chiếm đoạt tài sản: 
Phân tích từ chuyên gia tội phạm học
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng mạo danh công an, viện kiểm sát… để chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân các đối tượng nhắm đến chủ yếu là phụ nữ.

Trao đổi với PV Báo PNVN, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), cho biết, đây là loại tội phạm công nghệ cao, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn của chúng là làm cho bị hại lâm vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang không còn cách nào khác, buộc phải chuyển cho chúng toàn bộ số tiền mình có vào tài khoản của bọn chúng với lý do phục vụ công tác điều tra.

Ban đầu chúng tìm kiếm thông tin gia đình nạn nhân trên internet và các hình thức khác nhau. Khi đã biết được số cố định nhà riêng, biết được người thân của gia chủ ở nhà, chúng giả nhân viên tổng đài viễn thông, gọi điện đến cố tình gây cớ để moi móc thông tin.

Sau đó, tên đồng bọn thứ hai sử dụng các "giao thức VOI IP", thông qua một phần mềm, giả lập được các số điện thoại của cơ quan Công an, tự xưng là cán bộ cơ quan Công an gọi điện thoại internet để dọa nạn nhân. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức rút hết tiền trong tài khoản tại nước ngoài hoặc đồng bọn đến ngân hàng trong nước rút tiền rồi tẩu thoát.

Trung tá Hiếu cho biết, để nhận diện các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi vấn, trước hết người dân phải nắm được các quy trình hoạt động hành chính, quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật như, công an, tòa án... những cơ quan này làm việc là phải có giấy mời, chứ không làm việc qua điện thoại.

Lại rộ lên tội phạm giả mạo công an chiếm đoạt tài sản: Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ (bài 3) - Ảnh 1.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an)

Đàn ông thường có sự tỉnh táo và lý trí mạnh hơn. Ngoài ra, đàn ông cũng có thói quen đọc báo và thường quan tâm nhiều tới những vụ án hình sự, từ đó sẽ bổ sung cho họ nhiều kiến thức liên quan đến tội phạm. Trong khi đó, phụ nữ lại thường không quan tâm đến vấn đề này lắm, đến khi xảy ra sự việc thì không biết ứng phó thế nào. Điều đó phần nào lý giải, phụ nữ thường là nạn nhân của các vụ án lừa đảo”.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an)

"Không có chuyện cơ quan pháp luật gọi điện đến công dân để dọa ép công dân phải đưa tiền. Nếu có yêu cầu giao nộp tài sản liên quan đến vụ án, sẽ có những yêu cầu bằng văn bản cụ thể. Việc giao nộp được tiến hành tại trụ sở với những người có thẩm quyền", Trung tá Hiếu nói.

Một điểm cần lưu ý nữa, cơ quan pháp luật, đặc biệt cơ quan điều tra không có tài khoản mang tên cá nhân. Trong khi đó, đối tượng tội phạm luôn yêu cầu người dân chuyển tiền vào những tài khoản đứng tên cá nhân, đây chính là thủ đoạn lừa đảo.

Trước đó, PNVN đã phản ánh thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng mạo danh công an, viện kiểm sát… để chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân các đối tượng nhắm đến chủ yếu là phụ nữ.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, công an 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 776 vụ với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức giả danh, mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra... để chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, ngày 9/12, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố 5 bị can trong đường dây sử dụng công nghệ cao, giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân. Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi chọn được mục tiêu, các đối tượng trong nhóm đã gọi điện thoại, giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát đang thực hiện điều tra vụ việc vi phạm buôn bán ma túy, có liên quan đến nạn nhân rồi đe dọa, yêu cầu nạn nhân phải chuyển, gửi tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp để được... giảm tội.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã làm rõ 5 đối tượng trong đường dây trên gồm: Nguyễn Tấn Thắng (25 tuổi), Lê Ngọc Quyền (24 tuổi), Đặng Thành Toại (25 tuổi), Nguyễn Văn Rô (28 tuổi) và Hoàng Minh Tài (27 tuổi), tất cả đề trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, đã lừa đảo được nhiều tỷ đồng bằng các thủ đoạn nêu trên. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện khi nhận tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân, các đối tượng đã đi gom chứng minh nhân dân (CMND), làm giả CMND và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Một vụ án khác, cũng bằng thủ đoạn nêu trên, bà Phạm Thị H. (Hải Dương) đã trở thành nạn nhân của các đối tượng. Bà H. nhớ lại: Khoảng 14h ngày 22/10, bà đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi của người phụ nữ tự xưng là cán bộ đội Cảnh sát điều tra. Người này nói rằng bà H. liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn bán trái phép chất ma túy. Bà H. trả lời rằng không liên quan rồi tắt máy điện thoại thì người phụ nữ tiếp tục gọi lại. Lần này, chị ta nói rằng đã kết nối với lãnh đạo Cơ quan điều tra và người này sẽ nói chuyện với bà.

Sau đó, một người đàn ông xưng là đại tá Công an làm ở đội Cảnh sát điều tra, nói bà H. có tài khoản ngân hàng ở Thanh Xuân, Hà Nội liên quan đến vụ án rửa tiền của đối tượng ma túy. Đối tượng còn nói rằng trong tài khoản của bà có 3,2 tỷ đồng, yêu cầu bà H. phối hợp để điều tra. Bà H. trả lời rằng không liên quan, không làm việc thì người đàn ông đe dọa sẽ chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để bắt giam bà. Sau đó, có một người đàn ông gọi điện cho bà H. xưng là cán bộ Viện kiểm sát, yêu cầu bà H. hợp tác với Cơ quan điều tra để phá án.

Lúc này thì bà H. đã thực sự hoang mang, trả lời hầu hết các câu hỏi của đối tượng và nói có một số tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng. Người đàn ông yêu cầu bà H. chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm trong ngân hàng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp, để phục vụ điều tra. Người này nói, sau khi phá án xong sẽ trả lại bà H. toàn bộ số tiền đã chuyển trên. Tin là thật, bà H. ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 600 triệu đồng (598.909.000đ) chuyển vào tài khoản trên theo yêu cầu của các đối tượng. Khi biết mình bị lừa, bà H. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Cơ quan công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Cổng thông tin Bộ Công an

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm