Cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán "dự án ma" ở TPHCM

Tùng Lâm
07/12/2020 - 08:05
Cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán "dự án ma" ở TPHCM
Thời gian qua, lợi dụng thị trường bất động sản nóng, một số đối tượng ở TPHCM đã "vẽ" nhiều "dự án ma" để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, người dân.

Loạn quảng cáo dự án thiếu minh bạch

Trong vai một người có nhu cầu đầu tư vào các dự án địa ốc ở TP. Hồ Chí Minh, PV đã tìm hiểu thông tin về các dự án đang được quảng cáo là "đắc địa" bậc nhất quận Bình Tân. Không khó để bắt gặp những lời quảng cáo có cánh về những dự án này. Một trong những dự án đang được quảng cáo rầm rộ do Tập đoàn Địa ốc DCB đầu tư với mức giá 200 tỉ đồng tại quận Bình Tân.

Theo quảng cáo, điểm chung của dự án này là nằm ở vị trí đắc địa, gần các trục đường lớn như An Dương Vương, Võ Văn Kiệt, thuộc trục kết nối giữa quận 1 và quận 6, nên việc di chuyển khá thuận lợi và dễ dàng. Việc nằm gần trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học, an ninh… cũng là những điểm cộng các dự án này. Từ đây sẽ hình thành nên cụm dân cư cao cấp, cải thiện bộ mặt đô thị cho khu vực và nâng cao chất lượng sống cư dân trong tương lai gần.

Người dân, nhà đầu tư cần cảnh giác với những "dự án ma" được quảng cáo rầm rộ kẻo mất tiền oan

Người dân, nhà đầu tư cần cảnh giác với những "dự án ma" được quảng cáo rầm rộ kẻo mất tiền oan

Trong đó, khu đất 230 Hồ Ngọc Lãm được giới thiệu là: Dự án 230 Hồ Học Lãm DCB Real Estate tại P. An Lạc, Q. Bình Tân. GCN: CH04083 cấp ngày 27/2/2012 với diện tích: 3.072 m2. Thửa 424, tờ 107, phường An Lạc, Bình Tân, chuyển nhượng từ ông bà Lâm Hoàng - La Ngọc Vũ.

Khi tìm hiểu thông tin về dự án này, chúng tôi được biết, khu đất tại 230 Hồ Ngọc Lãm, theo tìm hiểu được biết đã được chuyển nhượng cho một người khác từ tháng 1/2019, cơ quan pháp luật đang cấm các giao dịch liên quan đến bất động sản này.

Sếp lớn của công ty địa ốc bị tố lừa đảo

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được đơn kêu cứu của nhiều nhà đầu tư, phản ánh về việc họ có dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đầu tư vào một số dự án bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, ngày 23/7/2018, qua "cò" đất giới thiệu, anh Đỗ Văn Quyết (SN 1974, ngụ Q.12) đã ký "Hợp đồng (HĐ) đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" cho lô D18, một phần thửa đất tại tờ bản đồ số 2, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, theo bản vẽ do bên bán tự phân lô lập ra. Bên mua phải đóng 858 triệu đồng (làm tròn) trước trên tổng giá trị nền là 2,8 tỷ đồng (làm tròn). 7 tháng sau sẽ ra sổ đỏ, phía người mua phải thanh toán hết số tiền còn lại và bên bán sẽ sang tên sổ cho người mua.

Theo HĐ này, người bán đứng tên cá nhân Nguyễn Văn Chung, nhưng cuối HĐ thì đóng dấu của "Cty DCB", do chính ông Chung TGĐ, có trụ sở tại Q.Tân Phú. Giấy biên nhận tiền cũng đóng dấu của Cty DCB.

Trụ sở công ty  DCB

Trụ sở công ty DCB

Tới tháng 1/2019 như đã hẹn, người mua gọi lên công ty hỏi về sổ đất để sang tên. Phía DCB thông báo, chưa ra được sổ và hẹn khách hàng thêm 2 tháng để sang tên. Đến hẹn, không thấy phía Cty DCB liên lạc và bên mua yêu cầu giải quyết hoàn trả lại số tiền cọc, thì bên bán là ông Chung không gặp cũng như không liên lạc.

Tương tự, trường hợp anh Trần Văn Chung (SN 1991, ngụ Q.Gò Vấp) cũng bị lừa lấy hơn một tỷ đồng mà đến nay cũng chưa thấy đất ở đâu tại Q.12.

Ông Huỳnh Tấn Tây – Phó chủ tịch UBND P. Tân Chánh Hiệp (Q.12) nói, các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 2 mà các khách hàng trên đã đặt cọc hiện đứng tên bà Nguyễn Thị Thu Vân. Khu đất trên thuộc quy hoạch đất công trình công cộng và một phần thuộc hành lang an toàn điện.

Hiện cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hay thỏa thuận bất kì dự án nào thuộc khu vực này. Tại vị trí trên, một số đối tượng tự ý "vẽ" ra để phân lô, đặt tên dự án và ngang nhiên rao bán. Để cảnh báo, UBND phường đã ban hành thông báo số 582 về việc cảnh báo mua bán đất nền nhà phố cho người dân biết.

Bà Võ Thị Hiền (SN 1960, ngụ Q. Tân Phú) cũng có đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986, trú tại quận Bình Tân, TP. HCM), Tổng Giám đốc Cty TNHH đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (gọi tắt Cty DCB, địa chỉ 63 Thoại Ngọc Hầu, Hòa Thạnh, Q. Tân Phú) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền 3,880 tỷ đồng.

Theo tố cáo của bà Hiền, đầu tháng 10/2017, qua sự giới thiệu của ông Phạm Duy Hùng (Giám đốc Cty DCB), bà Hiền ký "HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ)" một phần nhà 117-119-121-123 đường Lê Sao, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, thuộc thửa đất số 12 và số 38 thuộc giấy chứng nhận (GCN) số 6215/2007 do UBND Q.Tân Phú cấp, đính kèm bản vẽ số 221/2017 của Cty DCB. Tại thời điểm này, bà Hiền đã đặt cọc cho ông Chung 2 tỷ đồng…

Từ tháng 2/2020 đến nay, ông Chung có ý bán mảnh đất số 230 Hồ Ngọc Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân) cho bà Hiền để khấu trừ nợ. Nhưng đến nay, tất cả các lô đất của ông Chung bán cho khách hàng đều không ra sổ được và TGĐ Chung cũng không đứng tên chủ quyền.

Hiện các nội dung tố cáo trên đã được chuyển đến cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo, hầu hết các khách hàng sau khi bị các công ty bất động sản lừa đảo đều rơi vào tình cảnh mất toàn bộ tiền do các đối tượng này thừa nhận không đủ tiền khắc phục. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án.

Nhiều chủ dự án "ma" bị xử lý

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (viết tắt Công ty Thiên Ân Phát) do một lô đất có tên khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) được bán cho nhiều người.

Công an TP. HCM cũng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long liên quan đến hàng loạt dự án bất động sản tại TP HCM; khởi tố ông Đặng Tiến Tường, Giám đốc Công ty CP Kim Home Land…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm