Rơi nước mắt vì gia đình liệt sĩ bị tước hộ nghèo

13/08/2016 - 16:53
Việc gia đình liệt sĩ ở làng Thành Liên bị cắt hộ vì quá nghèo không đủ tiền đóng nốt khoản quĩ làm đường liên thôn 7,3 triệu đồng kéo theo nguy cơ đẩy 3 đứa trẻ bị thất học. Điều đáng nói, chuyện này xảy ra ở xã điểm về nôn thôn mới ở Thanh Hóa.
11.jpg
Suốt mấy năm qua, vợ chồng anh Hùng luôn phải sống trong chiếc lều ngoài đồng để nuôi vịt

3 đứa trẻ có nguy cơ thất học
Như báo PNVN đã thông tin, chỉ vì nợ tiền làm đương bê tông liên thôn 7,3 triệu đồng mà gia đình liệt sĩ đã bị tước mất hộ nghèo năm 2016. 

Chúng tôi về thôn Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) đúng hôm trời nắng như đổ lửa. Giữa cánh đồng như thiêu như đốt, chỉ có mình vợ chồng anh Hùng vẫn bám trụ cùng đàn vịt. Anh Hùng bảo: “Ở làng Thành Liên chẳng ai khổ như nhà tôi. Bao năm nay chỉ có đàn vịt để trông vào nhưng gần đây, người ta cũng đang có ý định cấm tôi nuôi với nhiều lý do”.

Theo anh Hùng, dù đã cắt suất hộ nghèo của nhà anh nhưng có lẽ vẫn chưa hả dạ nên làng định tiệt luôn nguồn sống của gia đình anh bằng cách cấm nuôi vịt.


Anh Phạm Hữu Hùng SN 1972, lúc anh chào đời đúng 1 tháng thì bố anh là liệt sĩ Phạm Hữu Đường hy sinh khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Bố mất, anh Hùng và người anh trai lớn lên trong khốn khó với sự tần tảo của người mẹ Ngô Thị Dậu.

Lớn lên trong cảnh túng quẫn nên anh Hùng trở nên còi cọc. Anh cũng chỉ được đến trường học cho biết mặt chữ rồi bỏ học sớm để về lao động giúp mẹ. Sau khi lập gia đình, sinh liền 3 người con, lại ở cùng mẹ già trở nên ngớ ngẩn nên nhà anh Hùng luôn rơi vào cảnh thiếu ăn.

Nhà chỉ có mấy sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch không đủ… đóng các khoản quỹ cho làng. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Hùng vay vốn ngân hàng, tận dụng con kênh ngoài cánh đồng làng để nuôi vịt. Con kênh đó nằm bên cạnh nghĩa trang của xã. Nơi đó, anh Hùng dựng tạm chiếc lều. Suốt mấy năm qua, cuộc sống của vợ chồng anh Hùng gắn với đàn vịt và chiếc lều bên nghĩa trang, bất kể ngày hay đêm.

Nhờ chăm chỉ nên cuộc sống mấy năm nay của nhà anh Hùng cũng đỡ vất vả. Điều đó được thể hiện là năm 2011, nhà anh Hùng là hộ nghèo nhưng những năm tiếp theo từ (2012 đến 2015) đã vươn lên trở thành hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, cái số vất vả dường như chẳng chịu buông tha anh. Khoảng 1 năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Vân - vợ anh Hùng - lại liên tục mắc bệnh thần kinh. Mỗi lần đi viện tâm thần lấy thuốc phải mất tiền triệu. Không chỉ tốn tiền mua thuốc, nhà anh Hùng còn mất đi một lao động chính. Những năm trước, lúc nông nhàn chị Vân ra Hà Nội làm phụ hồ kiếm thêm. Bây giờ, chị chỉ ở nhà phụ chồng chăm lo đàn vịt.

Những khó khăn ập tới khiến năm 2016 nhà anh Hùng lại tái nghèo. Dù gia đình đã hoàn toàn khánh kiệt nhưng vì nợ 7,3 triệu đồng tiền đóng góp làm đường liên thôn cho làng nên nhà anh Hùng bị thôn và chính quyền xã "quyết định" tước suất hộ nghèo.

Chị Vân bảo, tài sản lớn nhất của gia đình chỉ là 3 đứa con. Món ăn tinh thần để giúp vợ chồng chị vượt khó là các con chăm ngoan, học giỏi. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài vô số giấy khen của các con dán kín tường. “Sắp tới bước vào năm năm học mới. Nhà không được hộ nghèo nên các con không được miễn học phí nữa. Tiền đóng đầu năm cho 3 đứa hết cả chục triệu đồng. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng cũng đã đến hạn phải trả. Không có hộ nghèo chắc các con tôi cũng phải bỏ học sớm", chị Liên buồn bã nói.

10.jpg
Niềm an ủi lớn nhất cho vợ chồng anh Hùng là các con đều học rất giỏi


Có nơi nào đóng góp khủng khiếp vậy không?
Nhà nghèo, nhưng từ trước đến nay nhà anh Hùng vẫn phải đóng góp vô số khoản như các hộ dân khác trong làng khiến gia đình kiệt quệ. Lôi từ trong tủ ra một mớ giấy tờ, anh Hùng bức xúc: "Các anh xem, có nơi nào đóng góp khủng khiếp như ở đây không. Với một hộ khó khăn như nhà tôi thật sự là không gánh nổi".

Mỗi năm, xã Trường Sơn tiến hành thu các khoản đóng góp vào hai đợt. Đợt một vào đầu tháng 6, đợt hai vào trung tuần tháng 10. Mỗi khi đến dịp phải đóng tiền, từ xã đến làng lần lượt gửi giấy thông báo về cho gia đình. Khoản thu của xã riêng, thôn riêng, thậm chí còn một khoản thu nữa thuộc “các tổ chức của thôn” riêng.

Theo con số được ghi trên phiếu thu, 6 tháng đầu năm nhà anh Hùng đóng hết gần 2 triệu, vợ chồng anh Hùng đã hoàn thành. Thế nhưng, với khoản đóng góp “khủng” là tiền làm đường nợ từ năm trước, bước sang năm 2016 nhà anh Hùng vẫn tiếp tục nợ.

Về việc nhà anh Hùng nợ tiền và bị treo hộ nghèo, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, nói: “Trưởng làng nói rằng xã chỉ đạo “treo” hộ nghèo của gia đình anh Phạm Hữu Hùng là sai. Gia đình anh Hùng vẫn là hộ nghèo. Tôi mới ký giấy tờ cho anh Hùng vay tiền ngân hàng 30 triệu. Không phải hộ nghèo làm sao vay được”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng khẳng định, anh đã vay tiền ngân hàng từ mấy năm trước và đến tháng 9 đến hạn trả nợ. Trong năm nay, anh không hề vay thêm khoản nào. “Các anh có thể kiểm tra bên ngân hàng thì biết tôi có vay hay không”, anh Hùng nói.

Trước những ý kiến trái chiều, chúng tôi đề nghị Chủ tịch xã Nguyễn Bá Thành mời anh Hùng và Trưởng làng lên UBND xã để trao đổi trực tiếp nhưng ông Thành đã từ chối.

1.jpg
Anh Hùng khẳng định, nhà anh đã bị xã "giữ" mất giấy chứng nhận hộ nghèo. Không có "bảo bối" đó sắp tới các con đi học sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể phải bỏ học

Bí thư tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời

Trước những thông tin báo chí phản ánh, ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết, sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay việc này, xử lý kịp thời.
 Ông ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Dứt khoát là chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện nghiêm túc, nhất là các đối tượng chính sách, các đối tượng còn khó khăn trong xã hội thì càng phải quan tâm. Tôi sẽ chỉ đạo UBND tỉnh kiểm tra ngay vấn đề này", ông Chiến nói.

Trao đổi với Pv, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống - cảm ơn Báo PNVN đã thông tin. Ông Tuấn hứa: “Sẽ lập tức vào cuộc kiểm tra. Nếu sự việc đúng như báo phản ánh, UBND huyện Nông Cống sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm”.

Cũng theo ông Tuấn, xã Trường Sơn là xã điểm của tỉnh trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Năm 2014, xã này đã về đích. “Qua thông tin báo PNVN phản ánh, chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra về những khoản thu xã Trường Sơn cũng như các thôn ở đây đã thực hiện. Nếu sai sẽ được chấn chính, khắc phục và xử lý”, ông Tuấn nói.

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm