Rơi nước mắt với những trang văn về mẹ của Lê Minh Hà

28/07/2018 - 06:47
Có lẽ hiếm ai không cảm thấy nhói đau nơi lồng ngực khi đọc những câu chữ nhà văn Lê Minh Hà viết về người mẹ ra đi khi mới 35 tuổi vì bệnh ung thư quái ác trong cuốn sách ‘Tháng ngày ê a’ vừa ra mắt của chị…

Thời yêu dấu trong ký ức Lê Minh Hà là thời kỳ Hà Nội đang trong cuộc chiến tranh, thiếu thốn, đói khổ, bệnh tật, nhưng lấp lánh ở đó, Lê Minh Hà lưu giữ trong trái tim mình những khoảnh khắc đẹp đẽ, êm dịu, của những người thương mến xung quanh. Và đem theo nó suốt cuộc đời mình.

Tháng ngày ê a – cuốn tản văn mới vừa ra mắt của Lê Minh Hà - gom góp những khoảng bồng bềnh giản dị ấy, như một hồi đáp mến thương đến ngày xưa. Trên mỗi trang viết của Tháng ngày ê a, những hình bóng người xưa hiện ra sắc nét.

41.jpg
Tản văn  'Tháng ngày ê a' 

 

Cảm động nhất trong ký ức ấy chính là hình ảnh người mẹ. Người mẹ nhỏ bé, tần tảo, dịu dàng như hình ảnh thân thuộc của bao nhiêu người mẹ của Hà Nội thuở ấy.

Người mẹ thuở ấy “ngày ngày vẫn đi bộ từ nơi làm việc ở Lý Thường Kiệt tới viện ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thăm tôi, rồi lại đi bộ từ đó qua Tuệ Tĩnh hay Tô Hiến Thành về nhà”, người mẹ dù cho cuộc sống rất khó khăn, nhưng vẫn hàng ngày dành cho đứa con ở bệnh viện một số tiền để mua sách báo “từ số tiền bán cái xe đạp vĩnh cữu” của mẹ.

Dẫu chỉ bằng những hành động nhỏ nhặt ấy, nhưng hình ảnh mẹ vẫn đậm nét trong cuốn sách Tháng ngày ê a.

Người mẹ từng tần tảo ấy, rồi đột ngột ra đi bởi căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ mòi mỏi dần đi bởi bệnh tật. Hình ảnh ám ảnh trong trí nhớ của đứa trẻ ngày ấy, là mái tóc rất dày, rất bóng của mẹ bỗng nhiên chẻ dần và khô đi.

Mẹ mất ở tuổi ba lăm, để lại một nỗi mất mát không thể nào lấp đầy được trong ký ức tuổi thơ của tác giả. Bởi thế, cô viết về nỗi đau ấy, bằng giọng văn dịu dàng nhưng đọc từng câu từng chữ lại khiến tôi nặng trĩu ưu tư. Tôi chưa từng trải qua mất mát ấy, nhưng vẫn nghe nhói đau trong lồng ngực.

Mẹ rời bỏ cuộc sống khiến gia đình đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Cô con gái vẫn đau ốm liên miên. Nhưng chính khi ấy, mỗi người trong gia đình đều trở nên kiên cường hơn. Ngay tác giả, thuở ấy đau yếu luôn, vẫn đến trường, giúp đỡ gia đình, và rồi vào đại học, trở thành một giáo viên dạy Văn.

Những cô giáo đặc biệt đã từng đi qua suốt đời học sinh của Lê Minh Hà đều có nhưng điểm rất khác biệt, nhưng tựu chung lại, ở họ luôn ngầm ẩn chứa một tâm hồn “tử tế” và đẹp đẽ. Mỗi người lưu lại một điểm, nhưng nếu đã nhớ, thường nhớ rất bền bỉ.

Ấy là cô Yến, ở trường Ngô Sĩ Liên “cô giáo đầu tiên đã để lại trong lòng tôi bao nhiêu êm dịu”, là cô Kim “giọng hơi bẹp và tiếng cười rất ấm”, là cô Thủy “tôi nhớ mái tóc của cô, gọt nước mắt của cô, tâm khăn rằn trên vai cô”, là cô Tuyết với “những cuốn sách mà chỉ cần chạm vào chúng, cầm trên tay thôi là đã cảm ra được sức nặng của chữ với con người”….

Biết bao gương mặt bè bạn, dẫu nay xa vắng nhau, nhưng hình ảnh tuổi thơ nhiều vô ưu, vẫn cứ vấn vương trên trang văn của Tháng ngày ê a. Ấy là Mai, là Hằng, là Hải Vân…., là rất nhiều gương mặt, gom góp tháng ngày, trong ký ức của Lê Minh Hà.

Những con người ấy, là một phần đẹp đẽ, có vị trí quan trọng trong hành trình trưởng thành của tác giả Tháng ngày ê a.

44.jpg
Nhà văn Lê Minh Hà 

 

Cùng với những ký ức sâu nặng về con người, Tháng ngày ê a của Lê Minh Hà còn dễ cảm động tôi bằng những khung hình gần gũi, mộc mạc nhưng nên thơ vô cùng của Hà Nội thuở trước.

Những lối nhỏ, hàng cây, những căn tập thể cũ, hiện lên rõ ràng trên từng trang viết. Những đoạn văn êm dịu như thế này, ta có thể bắt gặp trong rất nhiều trang sách:

“Từ căn biệt thự tàn tạ mà vẫn đẹp cạnh trường vẳng sang một giai điệu giản dị và ma mị. Phố vắng. Êm đềm lá xanh ngày không nắng. Tưởng chừng như Trịnh Công Sơn ở cuối đường. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay”. Đường xa áo bay. Đường xa. Là đâu?”

Êm dịu quá mà cũng thênh thang buồn quá, nỗi buồn của niềm luyến tiếc. Khung cảnh ấy nay đã hóa phai tàn. Biết tìm lại đâu nơi đường phố nhộn nhịp này. Tất thảy chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Ngôn ngữ văn chương của Lê Minh Hà êm đềm, nhẹ bẫng, nhuốm một màu hoài niệm, bởi vậy nên từng trang đượm buồn. Nhưng cái buồn ở Tháng ngày ê a tuyệt nhiên không phải là cái buồn của tuyệt vọng, nó là cái buồn thoát ra từ nỗi cảm động của tâm tư.

Lê Minh Hà đã rời Việt Nam và sinh sống ở một phương trời khác. Nhưng nỗi nhớ về thời thơ ấu, về tuổi trẻ nơi thành phố Hà Nội phong tình, đã trở thành một ký ức đẹp đẽ, mơ mộng, nồng nàn.

Ngòi bút của một người đàn bà từng trải, đã đi qua nhiều vùng đất nhiều xa xôi lại càng thấm đẫm chất thơ tình Hà Nội. Lòng yêu mến qua thời gian càng đượm đà. Thế nên đọc Tháng ngày ê a không chỉ lưu níu hoài niệm, mà còn được ngắm nghía, ngâm ngợi một tấm lòng yêu mến Hà Nội.

Đọc Tháng ngày ê a cũng là để hoài tưởng về “một thời yêu dấu đã xa”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm