Rước 'cục tức' khi mua voucher du lịch hạ giá

11/04/2017 - 18:17
Háo hức đặt mua voucher khách sạn, resort, tour trọn gói giảm tới 50% tại các trang bán hàng theo nhóm, song nhiều người đã phải ngậm ngùi ôm trái đắng, 'bỏ thì thương, vương thì tội'.
Tưởng mua được voucher sẽ tiết kiệm được một số tiền đáng kể, nhưng nếu không để ý kỹ các điều khoản, tấm phiếu giảm giá có mức giá rẻ mà lại hóa đắt.   
 
Chất lượng khác xa quảng cáo
 
Trở về Cà Mau sau chuyến du lịch miền Bắc đã hơn 1 tuần mà vợ chồng chị Hằng Phương vẫn chưa hết bực mình. Trước chuyến đi, vợ chồng chị đã dành ra vài ngày để mua các voucher phòng khách sạn, tour du lịch tại các trang web bán hàng theo nhóm. Chị chọn được một khách sạn 3 sao trên phố Hàng Mắm (Hà Nội), có mức giá hơn 900.000 đồng/phòng nhưng giá voucher chỉ còn 380.000 đồng/phòng.

Nhìn trên ảnh sạch đẹp, lịch sự là thế, nhưng khi nhận phòng, vợ chồng chị không khỏi ngỡ ngàng. Phòng nghỉ của họ được xếp ở tận tầng trên cùng, không cửa sổ, cửa phòng tắm thì hỏng, drap giường đã ngả sang màu cháo lòng, két sắt bị hết pin, không sử dụng được. Khi chị Phương yêu cầu đổi phòng khác, nhân viên lễ tân nhất định không đồng ý, vì chị sử dụng voucher nên chỉ có loại phòng đó. Nếu muốn đổi phòng thì phải trả thêm phụ phí tương đương giá niêm yết của khách sạn. Quá thất vọng vì phòng nghỉ nhưng voucher thì đã mua tận 3 đêm, tiền cũng trả hết rồi, tiếc của nên vợ chồng chị đành cố ở lại trong căn phòng khách sạn 3 sao mà không đạt nổi chuẩn nhà nghỉ đó.
2.jpg
 Phòng nghỉ sạch đẹp, giá hợp lý là lựa chọn của nhiều du khách khi mua voucher qua mạng. Ảnh minh họa
Chưa hết, trong chuyến tham quan vịnh Hạ Long - Ninh Bình, khi mua voucher, chị được cung cấp các thông tin như hành trình có các trò chơi tập thể, bữa tiêu chuẩn 3 sao… nhưng chuyến đi thực tế của vợ chồng chị Phương chỉ như 'cưỡi ngựa xem hoa', đi qua các điểm trong hành trình cho lấy lệ, bữa ăn cũng lèo tèo, không đảm bảo chất lượng. Khi chị vào phần ý kiến của khách hàng trên trang web bán voucher để nhận xét thì ngay lập tức, các bình luận về voucher của chị Phương đã bị xóa ngay.  
 
Chia sẻ nỗi bức xúc lên facebook, chị Phương mới biết, rất nhiều bạn bè của chị cũng từng là nạn nhân của các trang web giảm giá. Cô bạn cùng cơ quan xem hình ảnh và lời mời chào của khu resort ở Phú Quốc rất hấp dẫn, nhưng đến nơi thì cây cỏ trụi lủi, ăn uống ít lựa chọn và phải chờ lâu, phòng ở có mùi hôi... nên chỉ ở 1 đêm rồi "bỏ của chạy lấy người".

Cắt bỏ các tiện ích

Không chỉ chịu chất lượng dịch vụ kém khi sử dụng voucher mà nhiều người còn phải mua voucher với giá đắt hơn giá bán thực tế. Đó là bài học chị Quỳnh Trang (phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) rút ra sau kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ vừa rồi. Chọn đi du lịch tại Đà Nẵng, chị mua voucher khách sạn tại thành phố với giá 800.000 đồng/đêm (đã được giảm 15%) nhưng đến nơi, chị sững người khi giá niêm yết của khách sạn cũng chỉ có 800.000 đồng/phòng. Chiêu nâng giá lên rồi giảm giá để thu hút khách hàng không còn xa lạ với những người làm trong ngành dịch vụ.

Để bán phiếu giảm giá, một số nơi còn bỏ bớt các tiện ích dành cho khách hàng. Cụ thể: tại khu vui chơi ở Ba Vì (Hà Nội), giá niêm yết 600.000 đồng nhưng voucher chỉ có giá 80.000 đồng, và người mua chỉ được tham gia vài trò chơi đơn giản như câu cá, đạp xe.... Còn các trò hấp dẫn khác, muốn chơi phải mua thêm vé. Tương tự như vậy, tại một số khu nghỉ dưỡng tắm nước nóng ở Phú Thọ, khi mua voucher giá rẻ, khách hàng không được sử dụng dịch vụ bơi hoặc tắm nước khoáng miễn phí, mà phải trả thêm từ 50.000 đến 100.000 đồng/người. Với những khoản phụ thu đó, giá trị thực người tiêu dùng phải trả có khi còn đắt hơn mua dịch vụ trực tiếp tại khu vui chơi, nghỉ dưỡng.
 
Chiêu để tránh mắc bẫy voucher
 
Từng hợp tác với một số trang bán voucher, chị Phương Anh (Công ty Gia An, Hà Nội) cho biết: Khi hợp tác bán voucher, các đơn vị kinh doanh đều phải trả phí cho trang web bán hàng, nên một số công ty nhỏ phải cắt giảm dịch vụ để đảm bảo lợi nhuận. Thực chất, khi mua voucher dù giá có rẻ hơn giá thị trường, nhưng chỉ là mua lẻ theo giá sỉ. Vào mùa cao điểm, khách sạn hay lượng người đăng ký tour tăng cao, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ ưu tiên cho khách đặt trực tiếp, nên bạn rất khó có thể đặt phòng hay đặt tour bằng voucher.
1.jpg
 Một số voucher giảm giá tour đang được bán. Ảnh minh họa
Để tránh mất tiền oan, rước bực vào mình, khi mua các voucher du lịch, bạn nên:
 
- Đọc kĩ các nội dung có bao gồm và không bao gồm trong voucher (phương tiện đi lại, đưa đón, các bữa ăn, loại phòng, giờ nhận phòng - trả phòng, quy định về phụ phí, quy định về trẻ em đi kèm…).

- Kiểm tra giá trên các website khác và tham khảo kinh nghiệm của những người đã sử dụng voucher trước đó. Nếu dịch vụ ổn và giá rẻ hơn thì bạn hãy quyết định mua.

- Gọi điện trực tiếp đến khách sạn, đơn vị bán tour để kiểm tra xem thời gian mình dự kiến đi còn chỗ hay không, các điều khoản trong voucher được áp dụng cụ thể như thế nào.

- Nếu quyết định mua voucher, nên chọn các nhà cung cấp dịch vụ đã hoạt động lâu năm, có uy tín và được kiểm định.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm