Sa Thầy: Phụ nữ làm chủ kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay được Hội tín chấp

Nhật An
09/05/2023 - 12:30
Sa Thầy: Phụ nữ làm chủ kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay được Hội tín chấp

Ra mắt Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ dân tộc Rơ Măm ở Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy tháng 9-2020. Ảnh: Báo Dân tộc

Nhờ nguồn vốn vay tín chấp thông qua tổ chức Hội, nhiều hội viên, phụ nữ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm chủ kinh tế gia đình.

Đi dần từ nhỏ đến lớn

Năm 2013, chị Võ Thị Xuân Hiếu ở thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa bắt đầu học và khởi nghiệp mô hình làm nấm sò. Có kiến thức, được Hội LHPN xã tín chấp, hỗ trợ cho vay vốn, chị Hiếu mạnh dạn vay 10 triệu đồng. Ban đầu, nguồn lực còn mỏng, chị Hiếu chỉ làm thí điểm vài trại nấm đơn giản. Quá trình sản xuất nấm mang lại hiệu quả cao, nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, chị Hiếu thu hồi vốn nhanh, trả được số vay ban đầu. Năm 2016, nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng nấm. Hội LHPN xã Sa Nghĩa đã thành lập tổ liên kết trồng nấm gốm 2 thành viên sản xuất, 2 thành viên phụ trách đầu ra của sản phẩm. Chị Võ Thị Xuân Hiếu được chị em tín nhiệm làm tổ trưởng.

Sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm trồng nấm, để mở rộng sản xuất, chị Hiếu vừa mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn do Hội LHPN xã tín chấp để đầu tư trồng nấm. Hiện nay, trang trại nấm của chị Hiếu được mở rộng hơn 1.000m2. Nguồn thu từ mô hình trồng nấm đã giúp 2 thành viên sản xuất, mỗi người có thêm nguồn thu khoảng 75 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm của tổ liên kết được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Phụ nữ Sa Thầy làm chủ kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay - Ảnh 1.

Hội viên, phụ nữ Sa Thầy sử dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Ảnh HT

Bắt đầu từ nguồn vốn nhỏ, nhiều chị em hội viên, phụ nữ ở Sa Thầy đã xây dựng được các mô hình lớn để phát triển kinh tế. Tiêu biểu như chị Y Hoa ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy. Năm 2022, được Hội LHPN thị trấn tín chấp cho vay vốn, chị Y Hoa vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng mới gần 2ha cao su và mua phân bón chăm sóc mì, bời lời. Cuối năm, thu hoạch mì, chị tích góp, trả hết được số tiền vay. Năm nay, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng vừa để trồng dặm cao su, vừa trồng mở rộng thêm hơn 1ha cao su. Chị Y Hoa chía sẻ: "Khi quyết định vay số tiền lớn, thực lòng tôi cũng rất lo lắng. Song nếu không vay thì gia đình tôi sẽ không có tiền để đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng. Hai vợ chồng cùng động viên nhau cố gắng, tích góp làm ăn, chắc chắn sẽ trả được vốn ngân hàng, kinh tế gia đình sẽ khấm khá dần lên".

Giống chị Y Hoa, mấy năm trước, chị Y Thoan (cũng ở làng Kleng) vay 30 triệu đồng để mua bò về chăn nuôi. Từ một vài con bò ban đầu, chị gây giống lên được 10 con. Nhờ xây dựng chuồng trại chăn nuôi khoa học, chị Y Thoan có được nguồn phân chuồng để bón cao su, cà phê. Mới đây, sau khi bán bò, chị Y Thoan trả hết được nợ vay, còn có tiền để xây dựng ngôi nhà ở khang trang. Hiện nay, chị Y Thoan có hơn 2ha cà phê, 1ha cao su, trồng thêm mỳ mang lại nguồn thu khoảng 400 triệu đồng/năm.

Chị Y Thoan cho biết, nguồn vốn vay ngân hàng, thông qua Hội phụ nữ là đòn bẩy để gia đình chị và các hội viên phụ nữ khác phát triển kinh tế. Tất cả 33 hội viên của tổ vay vốn ở địa phương đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Giúp phụ nữ thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của Hội

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy cho biết, hỗ trợ vay vốn, giúp hội viên, phụ nữ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Sa Thầy. Tính đến nay, Hội LHPN huyện đã tín chấp được hơn 181 tỷ đồng cho gần 3.200 hộ vay. Toàn huyện có tổng số 69 tổ vay vốn. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã giải ngân được hơn 3 tỷ đồng.

Phụ nữ Sa Thầy làm chủ kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay - Ảnh 2.

Tổ liên kết trồng nấm nhờ nguồn vốn vay thông qua Hội LHPN Sa Thầy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh HT

Ngoài việc tín chấp vốn, các cấp Hội thường xuyên theo dõi, kiểm tra để các hội viên thực hiện đúng mục đích, phát triển kinh tế. Kết quả quá trình kiểm tra cho thấy, đa số các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hội viên, phụ nữ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Được biết bên cạnh các hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội Phụ nữ Sa Thầy cũng thành lập các tổ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng để hỗ trợ, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra việc vay vốn và sử dụng vốn của các hộ gia đình. Hội LHPN Sa Thầy sẽ luôn đồng hành để kịp thời động viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của hội viên, phụ nữ, khích lệ chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nâng cao quyền năng kinh tế cũng là cách để giúp chị em khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội" - Chủ tịch Hội LHPN Sa Thầy Nguyễn Thị Tuyết khẳng định.

Nguồn: Hội LHPN Kon Tum
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm