Sặc hạt mãng cầu, nữ bệnh nhân trải qua 3 bệnh mới hết nguy kịch

16/03/2018 - 12:18
Trong lúc ăn mãng cầu (na), người phụ nữ 55 tuổi bị sặc, dẫn đến tím tái. Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nội soi thành công lấy dị vật là hạt mãng cầu sau khi đã được chuyển qua hai bệnh viện tuyến dưới.
Bệnh nhân là bà P.T.O (SN 1963, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Trước đó, trong lúc ăn mãng cầu thì bà O. bị sặc, tím tái và được người nhà chuyển đến bệnh viện trên địa bàn. Nhận thấy đây là ca bệnh phức tạp, bệnh viện lại không đầy đủ trang thiết bị nên đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ tại bệnh viện này nội sôi lấy dị vật nhưng cả 2 lần thực hiện đều không thành công. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp, được xác định mắc dị vật nhưng rất khó vì dị vật là hạt mãng cầu. Theo bác sĩ, trong tất cả các dị vật ở trong phổi thì hạt mãng cầu là dị vật “khó chịu” chỉ thua hạt sapôchê vì rất trơn trượt.

PGT.TS Trần Minh Trường thông tin về ca bệnh

 


Không chỉ vậy, bệnh nhân chỉ còn 1 bên phổi, 1 bên phổi bị xẹp hoàn toàn do bệnh lao phổi cách đây chừng 20 năm. Bên cạnh đó, phổi bệnh nhân cũng bị phù nề do trước đó các bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện nội soi nhưng không thành công.

Sau khi hội chẩn rất kĩ, các bác sĩ thống nhất không mổ phổi của bệnh nhân bởi tiên lượng xấu mà thực hiện nội soi gắp dị vật ra. Với sự hỗ trợ của bác sĩ gây và được sự thực hiện của “bàn tay vàng” là BS Phạm Thị Vân Thanh nên sau 30 phút thực hiện, ê kíp bác sĩ đã lấy ra được dị vật là một hạt mãng cầu khỏi phổi bệnh nhân.  Đến ngày 15/3, sau 1 ngày phẫu thuật thì tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Tình trạng bệnh nhân đã ổn định sau phẫu thuật

 


BS Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi nội soi gắp thì phải thực hiện qua đường nội khí quản nên đòi hỏi quá trình phẫu thuật phải nhanh, gọn và thực sự chính xác. “Những ca mắc dị vật bình thường, nếu bệnh nhân không suy hô hấp thì vẫn có thể tiến hành gắp qua đường miệng, đường mũi. Những trường đó đã khó rồi nhưng không dữ dội như ca này bởi bệnh nhân chỉ còn 1 phổi, phải gắp qua nội khí quản”, BS Thanh cho hay.

Theo các bác sĩ, trong quá trình thực hiện phẫu thuật thì bệnh nhân bị ngừng thở đến 4 lần. Lúc này, bác sĩ phải dừng phẫu thuật để thực hiện hồi sức.

BS Phạm Thị Vân Thanh cho biết đây là một ca bệnh "dữ dội"

 


PGT.TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thành công của ca bệnh là nhờ có sự phối hợp của ê-kíp bác sĩ. Qua đây, bệnh viện cũng khuyến cáo, người dân cần hết sức chú ý khi ăn các loại trái cây như mãng cầu, sapôchê.

Đặc biệt, khi nghi ngờ mắc dị vật thì không nên chủ quan, tránh thành dị vật bỏ quên; có thể gây ra tàn phế, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm