pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Sắc màu” cá tính của cô gái vàng Hóa học
Nguyễn Lê Thảo Anh không chỉ học giỏi mà còn được ví như “nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ”
Chia sẻ với PNVN, cựu nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam này cho biết:
Suốt một thời gian dài, em đã có một chấp niệm rất lớn với Toán học. Bởi đó là môn học em đầu tư nhất, tự tin nhất trong suốt 7 năm đầu đi học. Đó cũng là môn học mà hai ba con (ba của Thảo Anh là tiến sĩ Toán học -PV) dành nhiều thời gian và công sức để trao đổi với nhau nhất. Sau khi đỗ vào cấp 2 trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, được học cùng với nhiều bạn xuất sắc, trong em hình thành một áp lực nhất định trong học tập. Lúc đó, em phải đấu tranh nội tâm rất nhiều để chấp nhận rằng Toán học có thể chưa phải là con đường phù hợp nhất với mình.
Trước khi quyết định theo chuyên Hóa, em từng có thời gian thử sức với các môn chuyên khác. Tuy nhiên, em thích cách mà Hóa học đặt em vào những thử thách lập luận logic, liên kết những manh mối ở đề bài. Cũng chỉ với Hóa học, em mới sẵn sàng bỏ vài tiếng đồng hồ chỉ để nghiền ngẫm, suy luận tìm ra đáp án. Khi gặp những bài tập quá khó mà sau khi tra cứu, tư duy vẫn không làm ra được, em thường trao đổi với các bạn trên lớp để học hỏi thêm hoặc nhờ sự trợ giúp của các thầy cô. Môi trường học tập chủ động ở trường đã đóng góp một phần quan trọng cho kết quả mà em có được ngày hôm nay. Mặc dù rất đam mê Hóa học nhưng em chưa bao giờ học bộ môn này quá 6 tiếng một ngày. Thay vào đó, em phân bố thời gian cho những môn học khác cũng như thời gian nghỉ ngơi và các niềm đam mê khác như phim ảnh, âm nhạc, viết lách…
Việc đại diện cho Việt Nam tại một kỳ thi Olympic khoa học quốc tế như IChO 2021 đã mang theo trách nhiệm và áp lực nhất định, ảnh hưởng đến tâm lý của em trong quá trình ôn luyện. Đã có lúc em nghi ngờ bản thân và thiếu tự tin nhưng sau một tối tự định hình lại tinh thần và mục tiêu, tự nhắc nhở mình lý do thuở ban đầu muốn theo đuổi con đường Hóa học thì áp lực cũng được dỡ bỏ phần nào. Em hạ quyết tâm chỉ cần thể hiện phong độ tốt nhất mà không quan tâm đến màu huy chương. Khi bước vào kỳ thi Olympic vừa qua, 5 tiếng đồng hồ với 9 vấn đề khá dài và khó, em gác bỏ những lo lắng còn sót lại để đặt mình trong vị thế một người nghiên cứu, đang tìm và học hỏi những ý tưởng nước chủ nhà đặt ra chứ không phải đang làm một bài thi. Chính tinh thần đó và một chút may mắn đã giúp em có được tấm huy chương Vàng. Qua kỳ thi, em lại học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích, không chỉ trong Hóa học mà còn trong suy nghĩ và cách làm việc, chung sống với áp lực.
Em trong việc học và ngoài cuộc sống đôi khi như 2 người hoàn toàn trái ngược. Khi học tập, em cầu toàn, tham vọng, quyết đoán, khiến nhiều người không hiểu rõ về em có thể đánh giá em khó gần. Nhưng gác lại những bận rộn, em vẫn hòa mình trong phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật… vẫn ngồi "tám" chuyện với bạn bè đến 1-2 giờ sáng. Cả 2 nét tính cách đó làm nên chính em mà nếu hiểu hơn về em, mọi người sẽ nhận ra cả nhà khoa học và cô gái yêu nghệ thuật luôn hòa quyện thành một chủ thể.
Em thấy mình dại khờ và có chút "điên" của tuổi 18. Em nghĩ một phần chất "điên" của em đến từ thế hệ Z, những người trẻ đi tìm và lắng nghe tiếng gọi của cảm hứng. Em cho mình quyền được sai và học hỏi từ sai lầm của mình, quyền được tận hưởng tuổi trẻ và trải nghiệm. Em cho phép mình mơ những giấc mơ, những lý tưởng lớn dẫu còn những bất an. Chất "điên" tiếp cho em dũng khí để học hỏi và nỗ lực trong vai trò Trưởng ban PR của một dự án khoa học, dẫu trước đó không có chút kinh nghiệm marketing nào. Chất "điên" giữ cho em lòng kiên trì để theo đuổi con đường khoa học dẫu con đường ấy với nữ giới ở Việt Nam còn rất nhiều gian nan, thử thách. Chất "điên" của nhà khoa học cũng đôi lần thử nghiệm trộn cái này sửa cái kia trong phòng thí nghiệm. Hay đó là chất "điên" của cô nàng nghệ sĩ có những lúc hát một mình trong phòng cả tối, chăm chút từng dòng từng chữ của những đoạn tản văn ngắn chỉ mình mình đọc, rồi thức cả đêm "cày phim, cày truyện" dù ngày hôm sau có tiết học.
Em có nhiều sở thích, vì thế rất khó để chỉ chọn một. Nhưng nếu để chọn sở thích có ý nghĩa đặc biệt nhất với em thì đó chính là làm fangirl. Thực ra đây là một lựa chọn hơi "lươn lẹo" vì nó bao gồm cả phim ảnh, âm nhạc, viết lách… Song, có lẽ cũng chính sự đa dạng này đã níu giữ em với sở thích này. Việc làm fangirl là một nguồn giải tỏa stress vô cùng hiệu quả với em. Một sự thật thú vị là tối trước ngày thi, em hay xem fancam của BLACKPINK như một "nghi thức" lấy may và giảm căng thẳng. Ngoài ra, việc dõi theo những người nổi tiếng còn là một động lực học ngoại ngữ tuyệt vời. Đó cũng là một bí quyết để em học tiếng Anh cũng như tiếng Hàn.
Thành tích của Nguyễn Lê Thảo Anh năm học 2020-2021:
- Huy chương Vàng cá nhân kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) lần thứ V do thành phố Moscow, Liên bang Nga, tổ chức.
- Giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT, môn Hoá học.
- Huy chương vàng Kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế lần thứ 53 năm 2021 (IChO2021).
- IELTS: 8.0; SAT1: 1570/1600; SAT2: 1600/1600.