Sách giáo khoa Văn đang “hành” cả thầy lẫn trò

26/06/2017 - 14:48
Cả người dạy và người học đang bị “hành” bởi những kiến thức cũ kĩ, có những nội dung phản tác dụng. Với môn Ngữ văn, có rất nhiều điều không phù hợp ở cả ba cấp học, nhất là THCS và THPT.
Thông tin đã quá cũ, không còn phù hợp với hiện tại

Thông tin quá cũ, không hợp thời

Chương trình Ngữ văn 8, tập 1 có ba bài văn bản nhật dụng: Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000; Ôn dịch, thuốc lá; Bài toán dân số đều có nội dung và số liệu không còn phù hợp với hiện tại.

Như bài Ôn dịch, thuốc lá được ghi chú: Theo Nguyễn Khắc Viện, trong Từ thuốc lá đến ma túy - Bệnh nghiện, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992.

Nguồn tài liệu cách đây đã 25 năm, nên nếu cần đưa vấn đề này vào chương trình thì nên đưa kiến thức gần gũi, cụ thể, thiết thực trong những năm gần đây.

Hay Bài toán dân số cũng vậy, được ghi chú: Theo Thái An, Báo Giáo dục & Thời đại Chủ nhật, số 28, 1995.

Ở sách Ngữ văn 9 cũng có những văn bản như thế. Chẳng hạn: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới. Nội dung những văn bản rất ý nghĩa, nhưng không phù hợp với thời đại hôm nay.

 

Với văn bản “Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới” của Vũ Khoan (Vũ Khoan, trong Một góc nhìn của trí thức, tập 1, NXB Trẻ, TPHCM, 2002). Phần chú thích như sau: “Vũ Khoan: Nhà hoạt động chính trị, nhiều năm là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ. Bài viết này đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001 và được in vào tập Một góc nhìn của trí thức, NXB Trẻ, TPHCM 2002.

Nhan đề  bài viết của tác giả là Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới; khi đưa vào sách giáo khoa, người biên soạn có bổ sung một số chữ vào nhan đề cho cụ thể hơn và lược bớt một số câu ở phần đầu.

Nội dung văn bản rất ý nghĩa, đã nói lên điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam để lớp trẻ nhận ra, từ đó khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh để xây dựng đất nước.

 

Văn bản này, ngay nhan đề (và cả nội dung) rất phù hợp với con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ những năm cuối thế kỉ 20 và những năm đầu thế kỉ 21.

Đây là một bài học lớn cho người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế kỉ. Tuy nhiên, chúng ta đang ở năm thứ 17 của thế kỉ mới, e rằng nhiều thông tin không còn phù hợp (dẫu biết rằng, một bài học quý trong văn bản còn có giá trị sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay).

Tác phẩm không phù hợp với học trò

Một số tác phẩm văn học trong chương trình THCS cũng không phù hợp với trình độ và lứa tuổi của học sinh.

Phần văn học cổ xa lạ với học sinh, nhất là các thể loại phú, hịch, cáo, văn tế xa lạ với cuộc sống hiện nay lại đưa vào quá nhiều. Chính vì sự quá nhiều này đã gây nhàm chán cho cả người dạy lẫn người học.

Với những giáo viên trẻ, để truyền đạt cho học sinh đúng “hồn” của những tác phẩm văn học cổ này không phải chuyện dễ dàng.

Nhiều giáo viên tìm hiểu rất kỹ nhưng khi giảng vẫn không truyền tải hết được cái hồn của nó, bởi bản thân giáo viên cũng khó tiếp nhận được cái hay, cái đẹp thực thụ. Chỉ có những “cây đa cây đề” có thể dạy tốt những tác phẩm này, nhưng học sinh vẫn khó tiếp nhận, cũng như khó có thể cảm thụ được.

Nếu làm bài, các em có thể đạt điểm cao nhưng không mấy em thực sự hiểu tác phẩm. 

Cần đưa tác phẩm "Hạt giống tâm hồn" vào chương trình

Những đoạn trích kịch ở ngữ văn lớp 9 như: Bắc Sơn (Trích hồi bốn) của Nguyễn Huy Tưởng, Tôi và chúng ta (Trích cảnh ba) của Lưu Quang Vũ rất hay. Tuy nhiên với thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trình độ lớp 9, kém mặn mà khi học những đoạn trích này.

Nên chăng thay bằng những văn bản kịch gần gũi với đời sống của học sinh hôm nay. Theo tôi nên lựa chọn những tác phẩm mới, nhất là những cây bút trẻ có những tác phẩm xuất sắc, nội dung gần gũi với đời thường hiện nay để đưa vào chương trình.

Cần đưa một số tác phẩm hạt giống tâm hồn vào chương trình, bởi đó là những tác phẩm rất cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn học sinh. 

Một số đề kiểm tra không phù hợp với trình độ: Đơn cử là văn thuyết minh lớp 8.  Chẳng hạn: Em hãy thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam,... Đề thi kiểu này liệu có phù hợp với học sinh lớp 8 khi nón lá là hình ảnh thân thuộc ở miền Bắc và miền Trung, còn miền Nam thì số người sử dụng không nhiều. 

Nhiều bài học Tiếng Việt không phù hợp: Chẳng hạn như bài học Chương trình địa phương (lớp 8), Tổng kết về từ vựng học quá nhiều tiết (lớp 9). Kể cả những bài học về Chương trình địa phương phần Văn và phần Tập làm văn cũng không phù hợp.

Sự thay đổi tên tác phẩm “gây cười” cho người đọc

 

Tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí có nghĩa là “Đọc tập thơ (hoặc tập truyện) của nàng Tiểu Thanh”, vậy tại sao lại đổi tựa đề này thành Đọc Tiểu Thanh kí?

“Kí” có nghĩa là thể văn tự sự viết về người thật việc thật có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất” (Từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004, Hoàng Phê chủ biên). Nếu đã thay từ “độc” thành “đọc” thì cũng nên thay luôn từ “kí” thành “viết”.

Tác phẩm Quy hứng của nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn được dịch thành Hứng trở về. Đọc tựa đề thấy thật gượng gạo. Sao không đặt tựa đề hoàn toàn thuần Việt cho phù hợp hơn. Hứng trở về, đặt như thế làm sao nói lên được tâm trạng và sự mong muốn trở về quê hương của nhà thơ? Hứng trở về có nghĩa là sự nhất thời của nhà thơ, hứng lên nên muốn trở về.

Chẳng hạn như tác phẩm Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ được dịch là Cảm xúc mùa thu, tựa đề như thế mới toát lên được cảm xúc của nhà thơ về mùa thu.

Ở tác phẩm Xuất dương lưu biệt (lớp 11) của Phan Bội Châu được dịch thành Lưu biệt khi xuất dương chẳng khác gì hai trường hợp trên. Như thế, cả ba trường hợp này phải chăng là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”?

Ở tác phẩm Bình Ngô đại cáo đổi thành Đại cáo bình Ngô. Đổi như thế có tác dụng gì? Nó chẳng thay đổi được gì (trong khi thay đổi như thế nhưng sách có trang thì viết Bình Ngô đại cáo, có trang lại viết Đại cáo bình Ngô). Cách đổi tựa tên tác phẩm như vậy tưởng như “cải tiến” lại hóa ra “cải lùi”.

Sách giáo khoa hiện nay nhiều bất cập. Kiến thức nặng, nhiều bài quá lạc hậu và xa rời thực tế. Cần sớm thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa để có thể hấp dẫn với cả giáo viên và người học trong quá trình dạy và học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm