Sách giấy và thư viện ngày càng có sức hút với giới trẻ

Kim Ngọc
10/03/2024 - 18:00
Sách giấy và thư viện ngày càng có sức hút với giới trẻ

Đầu tháng 2/2024, người mẫu Kaia Gerber đã ra mắt câu lạc bộ sách “Thư viện Khoa học”

Doanh số bán sách giấy đang tăng lên khi nhiều người trẻ (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) ở các nước phương Tây chuyển sang đọc sách giấy hơn sách điện tử và cũng thích đến thư viện hơn.
Doanh số bán sách giấy tăng

Đầu tháng 2, người mẫu 22 tuổi Kaia Gerber đã ra mắt câu lạc bộ sách "Thư viện Khoa học" (Library Science). Gerber, con gái của siêu mẫu Cindy Crawford, mô tả câu lạc bộ này là "một nền tảng để chia sẻ sách, giới thiệu các nhà văn mới, trò chuyện với các tác giả mà chúng ta ngưỡng mộ và tiếp tục xây dựng cộng đồng những người yêu thích văn học".

Gerber không đơn độc trong trải nghiệm này. Năm 2023, doanh số bán sách in ở Anh đạt mức cao kỷ lục, với 669 triệu cuốn được bán ra. Nghiên cứu từ Nielsen BookData cho thấy, những người thuộc thế hệ Z rất chuộng sách giấy, chiếm 80% lượt mua từ tháng 11/2021 đến năm 2022. 

Bên cạnh sự phổ biến của các tựa sách giả tưởng và lãng mạn, Gen Z cũng đang khám phá nhiều thể loại đa dạng trong lựa chọn đọc của mình.

Hali Brown, người đồng sáng lập tài khoản TikTok về sách cho Gen Z, "Books on the Bedside", cho biết: "Không gian sách của Gen Z vô cùng rộng. Nhiều người đánh giá cao tiểu thuyết văn học, hồi ký, tiểu thuyết dịch và các tác phẩm kinh điển nói riêng". 

Theo Brown, nhu cầu đọc sách cũng thể hiện một phần văn hóa nhóm trong thế giới sách của Gen Z với các thể loại như "hot girl book" và "sad girl book". Đa phần những cuốn sách này là tiểu thuyết viễn tưởng và hồi ký, đề cập một khía cạnh nào đó của nữ giới.

Chương mới của sách giấy và thư viện- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Siêu mẫu 28 tuổi Kendall Jenner cũng trở thành gương mặt đại diện không chính thức của "Câu lạc bộ các Cô gái Văn chương" ("Lit Girls Club"). "Siêu mẫu đắt giá nhất thế giới" này từng gây chú ý khi được chụp ảnh đọc những cuốn sách như "Tonight I'm Someone Else" của Chelsea Hodson, lấy chủ đề vật hóa và thương mại hóa cơ thể; hay cuốn "Literally Show Me a Healthy Person" của Darcie Wilder, cuốn sách khám phá về đau buồn và lo lắng. 

Cả sách của Hodson và Wilder đều bán hết trên Amazon trong vòng 24 giờ kể từ khi những bức ảnh được đăng tải.

Tác giả kiêm nhà văn Abigail Bergstrom lưu ý đến xu hướng thoát ly thực tế ở các độc giả Gen Z qua sự gia tăng của các thể loại như tiểu thuyết suy đoán, lãng mạn và giả tưởng. Tuy nhiên, Bergstrom nhận định rằng không nên đồng nhất Gen Z với ý nghĩ thế hệ này chỉ thích đọc các thể loại nhẹ nhàng và thiếu chiều sâu.

Thư viện - không gian xây dựng cộng đồng

Các độc giả thuộc thế hệ Z không chỉ đọc sách mà còn thích đến thư viện hơn những quán cà phê ồn ào. Ở Anh, số lượt người đến thư viện đã tăng 71%, cho thấy người trẻ mong muốn có không gian chung để kết nối sâu sắc hơn với văn học và bạn đọc.

Tương tự, một báo cáo của Hiệp hội Thư viện Mỹ cho thấy, thế hệ trẻ đang sử dụng thư viện công cộng với tỷ lệ cao hơn so với thế hệ trước. Thư viện không chỉ có sách mà còn là những trung tâm cộng đồng, nơi để kết nối và khám phá. Đối với một thế hệ gắn với "đại dịch cô đơn" như Gen Z, thư viện ngày càng trở thành không gian xã hội. 

"Chúng ta thường nghĩ thư viện rất yên tĩnh nhưng điều chúng tôi cũng nhận thấy đây là cung cấp không gian tuyệt vời cho thanh thiếu niên, với những căn phòng lớn, nơi họ có thể chơi game hoặc sáng tác nhạc", Rachel Noorda, đồng tác giả của báo cáo bởi Hiệp hội Thư viện Mỹ, nói.

Trên TikTok, Henry Earls, sinh viên 20 tuổi của trường Cooper Union, đăng các video ghi lại cảnh anh đang học tập, viết nhật ký hoặc đọc sách trước khung cảnh tuyệt đẹp của Thư viện Công cộng New York. Anh nói: "Tôi nghĩ những người ở độ tuổi của tôi đang khao khát và tìm kiếm thứ gì đó chân thực hơn. Có gì thực hơn sách và các tài liệu hữu hình chứ?".

Bất chấp xu hướng đọc sách số, sách giấy vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Và câu hỏi được đặt ra là tại sao lại phải mua một cuốn sách khi có thể mượn nó từ thư viện.

Tom Worcester là người đồng sáng lập Reading Rhythms, một buổi "tiệc đọc sách" tại các quán bar ở New York, nơi người tham gia trả 20 USD để đọc sách và nghe nhạc. Worcester thường đến thư viện và rủ bạn bè cùng đến. Trong chuyến đi đến Amsterdam (Hà Lan) năm ngoái, anh và một người bạn đã làm "bài đánh giá hàng năm" tại Openbare Bibliotheek - thư viện lớn thứ hai ở châu Âu, dành hàng giờ để suy ngẫm về những thăng trầm trong năm của mình. 

"Khi bạn ở thư viện, có một thỏa thuận ngầm rằng bạn sẽ tập trung vào những gì bạn phải làm", anh nói.

Trong cuộc thảo luận về người trẻ và thư viện, không thể không nhắc đến "nơi thứ ba", một khái niệm do nhà xã hội học đô thị Ray Oldenburg đưa ra vào năm 1989. "Nơi thứ ba" chỉ một không gian xã hội khác biệt với nhà và nơi làm việc, đó là nơi mọi người tụ tập và giao lưu. Quán bar, quán cà phê, nhà thờ và thư viện là những ví dụ điển hình. 

Gen Z nhận thức rõ rằng, họ thiếu nhiều "nơi thứ ba" mà cha mẹ họ có, đặc biệt là khi ranh giới giữa công việc và gia đình bị xóa nhòa trong đại dịch Covid-19. Thư viện là nơi không đòi hỏi gì ở họ và họ có thể đến để là chính mình.

Anika Neumeyer, một sinh viên người Anh 19 tuổi làm tình nguyện viên tại Thư viện Cộng đồng Seattle, cho biết: "Các quán cà phê rất đông và bạn phải trả tiền khi đến đó trong khi thư viện mở cửa cho tất cả mọi người. Có ít áp lực hơn khi làm việc gì đó ở thư viện công cộng. Sẽ không ai phán xét bạn".

Nguồn: Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm