‘Sải cánh giữa chiêm bao’ - Một cách ứng xử trước tình yêu

28/10/2018 - 09:09
Đó là một cách ứng xử đậm tính nhân văn cho dù bị chia lìa, cách ngăn. Ở đó, tác giả cũng nhớ nhớ thương thương, hờn trách, lo lắng và khát vọng như mọi trái tim yêu trên thế gian này. Nhưng “Sải cánh giữa chiêm bao” của Hạnh Loan vẫn đủ sức hấp dẫn người đọc bởi một lối thơ riêng, một cách ứng xử đẹp trước tình yêu.
sai-canh-giua-chiem-bao-1.jpg
 

 

Hạnh Loan làm thơ từ thuở thiếu thời và cho đến nay hồn thơ ấy vẫn nguyên vẹn thanh xuân. “Sải cánh giữa chiêm bao” – tập thơ vừa mới ra đời là lời tự bạch về tấm lòng yêu nồng nàn tha thiết của chị. Ở tập thơ này, Hạnh Loan cũng nhớ nhớ thương thương, cũng hờn trách, lo lắng và khát vọng như mọi trái tim yêu trên cõi thế gian này. Nhưng Hạnh Loan vẫn đủ sức hấp dẫn đối với người đọc bởi một lối thơ riêng, một cách ứng xử đẹp trước tình yêu.

Trước hết, ta bắt gặp trong “Sải cánh giữa chiêm bao” một tấm lòng yêu với đầy đủ các cung bậc khác nhau, dù khi nồng thắm hay lúc chia phôi tấm lòng ấy đều thiết tha mãnh liệt.

Vắt kiệt thơ

Để cho anh

Em còn chữ “cạn” để ngâm cho mình.

Vắt kiệt yêu

Để cho tình

Em còn có lại chỉ mình với thơ.

                           (Vắt kiệt)

Em “vắt kiệt thơ” rồi “vắt kiệt yêu”, nghĩa là vắt kiệt cả lí trí và cảm xúc để hiến dâng trọn vẹn cho anh, cho tình yêu. Người phụ nữ ấy vắt kiệt mình trong một tâm thế hoàn toàn vui tươi, tự nguyện, vì thế những con chữ dài ngắn đều đặn được buông ra cũng hết sức tự nhiên và nhịp nhàng như lời tự hát. Cũng cần phải nói thêm rằng, cảm xúc nồng say mãnh liệt không phải  nhất thời mà thống nhất trong suốt cuộc hành trình của tình yêu. Có thể nói, với Loan thì tình không tuổi và yêu là trọn vẹn sơ chung:

 

Yêu cho đến ngày khánh kiệt
Ta nghèo kiết xác còn thân.

(Đánh cắp)

1e6a9165.JPG
Nhà thơ Nguyễn Hạnh Loan

 

Trong thơ Hạnh Loan, động từ “hôn” được lặp lại với mật độ dày đặc, đó là nỗi khát khao được giao hòa triệt để trong tình yêu. Hạnh Loan diễn đạt nỗi khát khao ấy rất táo bạo, mãnh liệt nhưng không hề nhuốm màu sắc dung tục. Đó là nụ hôn rất tình và cũng rất thơ: 

 

Em muốn hôn lên những vết xước tim anh
Để những nỗi đau sẽ ngủ yên mãi mãi
Những giọt máu hồng sẽ không còn rỉ chảy
Vết thương sâu ngày qua sẽ lại nguyên lành

Em muốn hôn cả những giọt nước mắt anh
Nhấm vị mặn
Của những ngày sương gió
Nhấm vị chát
Của đời trai giông tố.

(Trái tim anh)

Ở đây, không phải má sát môi kề, tình yêu ấy đã vượt qua nỗi khát khao xác thịt để vươn đến một nỗi khát khao mãnh liệt hơn, khát khao được toàn tâm toàn ý toàn hồn với tình yêu. Hôn lên “vết xước tim anh”, hôn cả “những giọt nước mắt anh”, hôn niềm đau nỗi buồn của anh. Chị đắm mình trong cảm xúc yêu đương chân thật, nồng cháy để yêu, để thương cho đến kiệt cùng. Niềm yêu mãnh liệt và trong sáng ấy tự nó đã tìm đến một hình thức diễn đạt hết sức giản dị nhưng cũng không kém phần duyên dáng. Đó cũng là một lối đi riêng làm nên bản sắc thơ tình Hạnh Loan.

 

Cũng bởi vì yêu đến kiệt cùng nên nỗi nhớ trong thơ của Hạnh Loan cũng ùa về tứ phía, vời vợi như núi, bao la như rừng, mênh mông như biển:

Em lạc về phía núi
Nỗi nhớ mọc thành rừng

Em lạc về phía biển
Nỗi nhớ hoá mênh mông

Em lạc vào khoảng không
Nỗi nhớ ùa tứ phía.

(Từ ngày lạc mất anh)

 

Nỗi nhớ là trạng thái quen thuộc trong thơ ca viết về tình yêu, nhưng nhớ như Hạnh Loan trong những câu thơ trên thì quả là đã chạm đến giới hạn cuối cùng của trạng thái này. Nỗi nhớ ấy dường như òa lên, ngổn ngang trên hình thức câu chữ. Thì ra, trong thơ Hạnh Loan, hình thức giản dị cũng là một nét đẹp riêng.

 

Trong cõi yêu thương Hạnh Loan gặp gỡ với Xuân Diệu ở tinh thần “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Trong quan niệm của chị, tình yêu đẹp là tình yêu sôi nổi, say đắm nồng nàn, tình yêu luôn lấp lánh sức thanh xuân. Bởi vậy, chị luôn hối hả mời gọi và khao khát:

Mở cửa đi anh
Một giây bằng trăm năm
Một giờ sẽ nghìn năm
Trên vầng trán em thanh tân
Vòng kim cô ái tình lấp lánh.

                             (Trái tim anh)

Người phụ nữ trong thơ Hạnh Loan tự ý thức rõ “là xuân đã muộn”, thế nhưng bên trong con người ấy vẫn luôn cháy bỏng khát khao:

Sáng nay, hạ về trước cửa
Đã thấy môi mình bão giông...

(Tình yêu ngủ đông)

Biết mình “xuân đã muộn”, sợ thời gian trôi qua mà thanh xuân không đứng đợi, người phụ nữ ấy chủ động đi trước thời gian, yêu trước thời gian:

Trong cõi yêu thương
Ta nghĩ về nhau đêm cũng như ngày
Ta bước trước thời gian
Từng phút, từng giây.

(Anh, Em, Thời gian và ý nghĩ)

Yêu đâu chỉ là thương, là nhớ, mà còn là “nghĩ về nhau”, nghĩa là dồn nén tổng hòa tất cả mọi sắc thái của cõi lòng để hướng về người mình yêu. Tình yêu ấy có sức mạnh vô biên, đến nỗi xuyên qua cả thời gian “đêm cũng như ngày”. Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ, người phụ nữ trân trọng, nâng niu, tận dụng từng phút từng giây để dành cho tình yêu của mình.

 

Sự chân thành, mãnh liệt của tình yêu còn được thể hiện ở một dạng thức khác, đó là nỗi băn khoăn, dự cảm lo âu về những bất trắc trong tình yêu:

Anh có hiểu vì sao trong giây phút yêu thương
Em chợt nói đến chia ly và xa cách
Sợ nồng nàn rồi có ngày giá buốt 
Tin yêu mỗi ngày rồi có lúc phôi pha.

(Đường xưa)

Ngay cả khi đang nồng say mãnh liệt nhất thì người phụ nữ ấy đã lo lắng, dự cảm về sự phôi pha. Cũng phải, bởi tình yêu càng lớn thì nỗi lo càng nhiều, mà khi người ta lo sợ chia xa cũng chính là lúc mà người ta đang yêu đến mãnh liệt sôi trào. Những ai đang hết mình trong tình yêu, và những ai đã ít nhất một lần nếm trải chia li trong tình yêu sẽ rất dễ đồng cảm với nỗi lòng của Hạnh Loan trong những câu thơ mặn mòi ấy.

_w0a4779.JPG
 

Hạnh Loan dù yêu đến kiệt cùng trái tim mình, vậy nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ được cho tâm hồn mình một nét đẹp riêng tựa như đóa hồng kiêu hãnh trước bình minh:

Em chỉ là em anh nhé, chẳng cách xa
Chỉ muốn yêu người như hoa kia yêu nắng.

(Em chỉ là em thôi)

Chị ý thức rằng “em chỉ là em thôi”, và em “muốn yêu người như hoa kia yêu nắng”. Hoa cần nắng để thêm tươi, nắng cũng phải cần hoa để thêm phần rực rỡ. Tiếp mạch suy nghĩ ấy, người phụ nữ khẳng định một cách mạnh mẽ, dứt khoát và đầy kiêu hãnh rằng:

Em yêu anh, mà không là nô lệ
Trái tim cho đi không đo đắn bao giờ.
Anh hãy đặt con tim lên ngai vàng hạnh phúc
Để không vụn vỡ đau buồn dưới chân bước thờ ơ.

(Em không là nô lệ)

Hạnh Loan không thuyết lí sáo cũ rằng chỉ biết cho đi mà không cần nhận lại. Không, chị không chấp nhận yêu mà chỉ nhận lại sự thờ ơ hay những vụn vỡ đau buồn, không chấp nhận làm nô lệ của tình yêu. Người phụ nữ đã vắt kiệt để cho đi tất cả trái tim mình không cần đo đắn.Tình yêu ấy cần được đáp lại bằng sự trân trọng nâng niu, cần phải được đặt lên ngai vàng hạnh phúc. Đó là quan niệm tình yêu rất mới mẻ của một người phụ nữ hiện đại, khi mà ý thức nữ quyền đã được lên ngôi. Đây cũng là một nét đẹp riêng trong cách ứng xử trước tình yêu.

   Người phụ nữ trong thơ tình Hạnh Loan yêu tận cùng nhưng không mê muội, mù quáng, mà luôn rõ ràng dứt khoát:

Chàng cũng biết trời xanh khi phản trắc
Là mây đen u ám báo mưa dông.

(Chàng)

Chọn trời xanh bao la làm không gian là một sự lựa chọn thông minh để diễn tả thái độ phản ứng khi bị phản trắc trong tình yêu. Người phụ nữ không thể mềm lòng yếu đuối khi bị phụ tình, mà ngược lại càng phải mạnh mẽ, quyết liệt. Đã yêu là cháy bập bùng, đã giận dỗi là “mây đen u ám”, là bão dông dữ dội. Có lẽ Hạnh Loan viết thơ tình không chỉ để dành riêng cho người mình yêu, mà còn mong muốn lòng yêu của mình khơi gợi những lòng yêu khác. Bởi vậy chị đã cố gắng tường minh đến mức tối đa quan niệm tình yêu của mình để chia sẻ với mọi người.

Hạnh Loan ít viết về sự tàn phai của tình yêu, nhưng dù ít thì vẫn đủ để thấy rõ phản ứng tích cực của người phụ nữ này khi tình yêu tan vỡ:

Em lặng nhìn anh, anh cũng lặng nhìn em
Nghe dĩ vãng ùa về như cơn lốc
Nghe xót xa dâng trào trong lồng ngực
Biết nói gì khi lại sắp chia phôi.

(Phút im lặng của tình yêu)

Khi tình yêu tan vỡ người phụ nữ ấy dù buồn tột độ, dù tiếc nuối khôn cùng nhưng không than vắn thở dài, không não nề bi lụy như thơ tình chúng ta thường thấy. Hạnh Loan gọi khoảnh khắc đau buồn ấy là “phút lặng của tình yêu”. Đây cũng là một nét đẹp riêng của Hạnh Loan trong cách ứng xử trước tình yêu.

   Đọc “Sải cánh giữa chiêm bao” ta thấy Hạnh Loan có một quan niệm khá lạ lùng về tình yêu:

Và em sẽ yêu anh như những năm tháng phiêu bồng
Có anh trong nghĩ suy, trong giấc mơ riêng mình em biết
Ta hiểu một điều: Đâu phải yêu là đi cùng trời cuối đất
Mà đơn giản chỉ là ta sống ở trong nhau.

(Như là cổ tích)

Với chị, yêu dù chỉ là một giây cũng bằng cả trăm năm, một giờ cũng sẽ là ngàn năm. Yêu không có nghĩa là buộc phải theo nhau đi cùng trời cuối đất, chỉ cần khi yêu ta sống trọn vẹn ở trong nhau. Theo logic thông thường, khi người ta đã vắt kiệt mình cho tình yêu, nếu phải chia lìa đôi ngả sẽ dễ nảy sinh hờn trách, oán hận. Ở đây, trái tim tình yêu của Hạnh Loan lại chọn một cách ứng xử riêng:

Thôi hãy ướp hương nồng xưa vào tóc 
Nhẹ bước đi cho gió thổi hoang đàng
Đừng quay lại để rồi nhiều luyến tiếc
Ta với người vẫn mãi mãi cố nhân.

(Cố nhân)

Dù không thể cùng nhau cập bến bờ, không thể cùng nhau bước lên ngai vàng hạnh phúc thì vẫn có nhau trong trong ý nghĩ, và mãi mãi gọi nhau là “cố nhân”. Hạnh Loan gặp Xuân Diệu ở sự mãnh liệt, sôi nổi nồng nàn, nhưng nếu Xuân Diệu “Yêu là chết ở trong lòng một ít” thì với Hạnh Loan yêu và được yêu dù trong khoảnh khắc cũng đã là là hạnh phúc. Nếu ai đó bảo rằng trong tình yêu phụ nữ thường có phần ích kỷ thì người đó hẳn đã sai lầm. Cách ứng xử đầy nhân văn, cao thượng và phóng khoáng của người phụ nữ trong thơ Hạnh Loan là một minh chứng.

 

            Cách ứng xử đầy chất văn hóa, đầy tính nhân văn như thế xuất phát từ quan niệm của chị về tình yêu. Chị nhận thức rằng “tình yêuta cũng tựa một vương triều”, có hưng thịnh và cũng có lúc suy vong, “không có điều chi cứ mãi huy hoàng”(Nghĩ trước cổng kinh thành). Sầu đau hay oán hận sẽ là vô nghĩa bởi một điều đơn giản:

Quá khứ có thay đổi được đâu
Ghét hay yêu,
Nhớ hay quên,
Hạnh phúc hay bất hạnh,
Thì ta cũng từng là tất cả của nhau.

Vậy đừng cố dựng lên bức tường để tự làm đau
Tự trừng phạt chính mình bằng hạ sách,
Hãy hiểu cho rằng
Lãng quên chính là kẻ thù lớn nhất 
Dù không có bức tường nào ta phải tự dựng lên.

(Chặn)

Hạnh Loan từng nhận mình là người đàn bà đa tình, và có lẽ những trải nghiệm yêu đương đã khiến chị nhận thức rất rõ về quy luật của tình yêu,khiến chị hối hả chạy đua với thời gian để vun đắp cho lâu đài tình ái của mình luôn đủ ấm; dẫu có chia lìa xa cách thì lòng vẫn cứ nhẹ nhàng thanh thản. Quan niệm ấy khiến tình yêu trong thơ chị bao giờ cũng đậm tính nhân văn, và cũng chính vì quan niệm ấy mà người phụ nữ này dù “Biết ta có già như biển / Nhưng tình vẫn mãi thanh xuân”(Em và biển mặn). 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm