Sài Gòn mùa "chạy trường" của dân nhập cư

08/07/2017 - 07:20
Thời điểm này, TPHCM bắt đầu phát hành đơn và nhận hồ sơ nhập học cho học sinh vào lớp 1. Các gia đình nhập cư cũng vận động hết cỡ theo cách riêng của mình để con được đến trường thuận lợi.
Phụ huynh xếp hàng chờ mua hồ sơ nhập học cho con vào lớp 1 

Đồng tiền đi trước

Cô Nguyễn Thị Mè (Đồng Tháp) hiện đang ở với gia đình của 3 người con trai tại dãy nhà trọ đường Phạm Đăng Giảng, quận Bình Tân. Vì thương con nên cô phải lên TPHCM sinh sống, trông giữ lần lượt 5 đứa cháu nội để giúp con cái an tâm đi làm.
Những ngày này cô cứ tới lui Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM để xem thông báo và hỏi han nhà trường về việc nộp hồ sơ nhập học cho cháu. Cô cho biết: “Cháu tôi học lớp mẫu giáo ở dưới quê. Năm nay tôi xin cho cháu lên đây học để gần cha gần mẹ. Tôi cũng hỏi dò nhiều người xem tình hình có khó không. Ba mẹ nó đi làm công nhân cả ngày nên tôi phải đi. Tôi cứ mạnh dạn vào trường xin, người ta cho thì mình về dưới quê rút hồ sơ lên nhập học. Ở đây tôi không có quen biết ai cả nên đành đi năn nỉ. Tôi cũng tính đủ cách rồi chỉ mong cháu được đi học đúng thời gian như bạn bè nó”.

Phụ huynh điền thông tin hoàn thành hồ sơ nhập học cho con 

Khi được hỏi lại cảnh xin cho con vào lớp 1, chị Huỳnh Thị Phượng, quê tỉnh Bạc Liêu, hiện đang tạm trú tại đường Phạm Đăng Giảng, quận Bình Tân, TPHCM nhớ lại: Năm con gái chị vào lớp 1, chồng chị là Vũ Văn Khải đi 4 lần để làm hồ sơ nhập học nhưng không được. Vì nôn nóng lo con không kịp nộp hồ sơ nên anh đã chạy sang các trường quận khác để mua hồ sơ nhập học. Thế nhưng khi mang về nộp vào trường Tiểu học Bình Hưng Hòa thì không phù hợp, nên gia đình phải đợi đến ngày trường bán hồ sơ mới mua. Hơn nữa, việc làm giấy tờ đăng ký tạm trú tạm vắng, xin giấy gọi nhập học cho con nhiều rắc rối.  Kết quả là anh đi nhiều vòng vẫn chưa “ra tấm ra váng”.
Không thể để con thất học, chị Phượng tìm cách đi “đi lách” bằng việc lo lót cho cán bộ ở tổ dân phố để con có giấy gọi nhập học. “Hồi đó chị quen một người bên khu phố, chị đưa cho người đó chút tiền trà nước để ổng làm hết giấy tờ. Nhờ vậy mà con chị được vào lớp một cách dễ dàng. Bây giờ cháu nó chuẩn bị lên lớp 5, sang năm lại chuyển cấp mới không biết có khó khăn gì không”. Chị Phương bộc bạch.

Đa cách nhập hộ khẩu

Gặp anh Trần Minh Lại (hộ khẩu ở Ninh Thuận, tạm trú ở TPHCM) khi anh đang loay hoay điền thông tin làm hồ sơ nhập học cho con vào lớp 1. Anh cho biết để có được giấy tạm trú tạm vắng hoàn thành hồ sơ nhập học cho con, vợ chồng anh phải tận dụng triệt để mọi mối quan hệ.
Năm nay, vợ chồng anh chuyển vào TPHCM làm việc nên phải chuyển cả con vào. Trên giấy tờ, vợ chồng anh đang tạm trú tạm vắng tại nhà người thân có hộ khẩu tại quận Bình Tân nhưng thực tế vợ chồng anh phải thuê trọ ở ngoài.
“Để hợp lệ các giấy tờ thì tôi phải nhờ người thân xác nhận cho tạm trú tạm vắng, các chủ trọ ở ngoài họ hay khó dễ lắm. Vợ chồng tôi không có sổ hộ khẩu, không có giấy KT3 thì đành phải làm cách đó chứ không có cách nào nhanh hơn cả. Chưa nói việc làm giấy tạm trú phải làm trước cả năm. Mỗi lần làm giấy tờ, tôi chạy quần quần mệt lắm”. Anh Lại chia sẻ.

Sự lo lắng hiện hữu trên gương mặt người mẹ 

Trường hợp của một phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Thanh Mai có tới 2 tuyến cho con đi học. Không biết lách luật bằng cách nào, vợ chồng chị có hộ khẩu tại hai nơi. Như vậy, khi con vào lớp 1 sẽ có hai sự lựa chọn, một tuyến theo hộ khẩu của mẹ tại quận Bình Tân, một tuyến theo hộ khẩu của cha quận Tân Bình. Chị Mai đang xem xét trường nào chất lượng tốt và có bán trú thì sẽ đăng ký cho con học ở trường đó.

TPHCM là địa bàn có lượng dân nhập cư đông, biến động liên tục nên nhiều năm liền lượng học sinh đầu cấp tăng liên tục. Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018, TP tiếp tục tăng hơn 59.000 học sinh, tương đương mức tăng năm học trước, cụ thể: Bậc mầm non tăng 19.833 học sinh, tiểu học tăng 20.199 học sinh, THCS tăng 12.741 học sinh và THPT tăng 6.319 học sinh. Số học sinh tăng mạnh chủ yếu ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số cơ học như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi…
Điều này khiến các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp không khỏi lo lắng, nhất là với lớp 1 và mầm non. Việc các phụ huynh “chạy đôn chạy đáo”để hoàn thành hồ sơ nhập học cho con cũng là điều dễ hiểu.

Đầu năm học mới 2017-2018, TPHCM dự kiến sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học, trong đó mầm non là 370 phòng, tiểu học 349 phòng, THCS 422 phòng, THPT 314 phòng và các hệ thống khác như trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt là 29 phòng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm