Sản phẩm sáng tạo giúp phân tích chính xác hàm lượng sắt trong nước

11/10/2017 - 11:45
Xây dựng và áp dụng phương pháp phân tích hàm lượng sắt trong nước ăn uống và sinh hoạt của tác giả Nguyễn Thị Phương Dung (Trung tâm y tế dự phòng Long An, TP. Tây An, tỉnh Long An) là một trong những sản phẩm được nhận bằng khen tại Ngày Phụ nữ sáng tạo
Hiện nay nước ăn uống và sinh hoạt đang được xã hội quan tâm rất nhiều, vì nguồn nước không sạch, kém vệ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Trong đó hàm lượng sắt trong nước ăn uống và sinh hoạt cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Vậy nên, việc thực hiện cải tiến phương pháp phan tích hàm lượng sắt trong nước là rất cần thiết. 

Tác giả sản phẩm sáng tạo Nguyễn Thị Phương Dung cho biết: Theo QCVN 01: 2009/BYT hàm lượng sắt trong nước ăn uống đạt yêu cầu sử dụng phải thấp hơn hoặc bằng 0,3 mg/l và theo QCVN 02: 2009/BYT hàm lượng sắt trong nước sinh hoạt đạt yêu cầu sử dụng phải thấp hơn hoặc bằng 0,5 mg/l. Điều này có nghĩa là các mẫu nước đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn trên phải có hàm lượng sắt rất thấp.
dung.jpg
Tác giả sản phẩm sáng tạo Nguyễn Thị Phương Dung

Theo Standard method 3500 Fe B (2012), phương pháp đo quang sử dụng cuvet có độ dài đường truyền quang 1 cm chỉ phù hợp với các mẫu nước có hàm lượng sắt từ 50 -200μg/50ml (tương đương với 1 - 4 mg/l). Trong khi đó đối với các mẫu nước có hàm lượng sắt từ 10 - 40 μg/50ml (tương đương với 0,2 - 0,8 mg/l) cần phải có thiết bị đo phù hợp là máy đo quang được tích hợp với cuvet có đường truyền quang 5 cm.

Tuy nhiên trong điều kiện thực tế nước ta, thiết bị này không phổ biến. Đa số các máy đo quang đều sử dụng cuvet chuẩn có chiều dài đường truyền quang 1 cm. Nếu áp dụng hệ thống này phân tích các mẫu nước có hàm lượng sắt thấp sẽ cho kết quả kém chính xác, độ nhạy thấp và sai số cao.

Bài toán được đưa ra với những người làm công tác nghiên cứu là bằng cách nào để nâng cao độ chính xác, tăng độ nhạy và hạn chế sai số mà không cần phải tốn kém đầu tư thêm thiết bị, đồng thời phương pháp mới phải dễ dàng thực hiện và có thể áp dụng rộng rãi cho các phòng kiểm nghiệm được trang bị các thiết bị cơ bản. Tác giả Nguyễn Thị Phương Dung đã nghiên cứu thực hiện cải tiến phương pháp xác định hàm lượng sắt trong mẫu nước ăn uống và sinh hoạt nhằm mục đích giải quyết bài toán trên.
21993110_1318690014909688_8749629887046837658_o.jpg
Tác giả tiến hành khảo sát trong phòng thí nghiệm

Qua các thử nghiệm khoa học tiến hành giữa quy trình phân tích gốc và quy trình phân tích cải tiến, tác giả đã tối ưu hóa phương pháp, nâng cao độ hấp thu mật độ quang (Abs) thông qua phương pháp làm tăng nồng độ mẫu trong hỗn hợp đo, qua đó  nâng cao độ chính xác, tăng độ nhạy và hạn chế sai số mà không cần phải tốn kém đầu tư thêm thiết bị, đồng thời phương pháp mới phải dễ dàng thực hiện và có thể áp dụng rộng rãi cho các phòng kiểm nghiệm được trang bị các thiết bị cơ bản.

Giải pháp này của tác giả Nguyễn Thị Phương Dung đã thay đổi, cải tiến phát triển qui trình phân tích cho phù hợp điều kiện đa số phòng thí nghiệm trong nước, nên khả năng áp dụng cao, có thể sử dụng ở tất cả phòng xét nghiệm lý hóa tuyến Huyện, tránh tình trạng có máy đo quang phổ nhưng không triển khai sử dụng, hoặc triển khai sử dụng nhưng phân tích cho  kết quả không chính xác.

Sản phẩm sáng tạo Xây dựng và áp dụng phương pháp phân tích hàm lượng sắt trong nước ăn uống và sinh hoạt của tác giả Nguyễn Thị Phương Dung đã mang lợi ích đến cho cộng đồng dân cư, giúp mọi người tìm kiếm và bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường, góp phần giảm rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đối khí hậu.

logo.jpg

Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017 do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm