pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sản phụ từng bị ngừng tim trong 120 phút đã được xuất viện
Chiều tối 24/4, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tổ chức buổi chúc mừng ra viện cho bệnh nhân đã ngừng tim 2 lần.
Đó là bệnh nhân Hoàng Thị Tân, sản phụ đã bị ngừng tim 2 lần sau khi sinh, lần lâu nhất là 120 phút đã thoát khỏi cửa tử.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: “Đến nay, sau 21 ngày điều trị bằng các kỹ thuật hiện đại nhất, bệnh nhân đã tỉnh, hồi phục và tiếp xúc tốt, ý thức và vận động hồi phục hoàn toàn. Đây là một trong những kỳ tích của nền y học Việt Nam.”
Tại buổi lễ ra viện, chị Tân xúc động tâm sự khi tỉnh dậy, nghe mọi người kể lại việc chị bị ngừng tim 2 lần khiến chị cảm thấy như được hồi sinh. Hiện nay sức khoẻ của chị đã trở về trạng thái bình thường, có thể nói chuyện, đi lại, vận động như trước.
Anh Hoàng Văn Toàn, chồng của chị Tân cho hay: “Vợ tôi đã hai lần chạm lưỡi hái tử thần. Khoảnh khắc thấy vợ tỉnh lại, hai vợ chồng chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui khôn xiết. Hôm nay vợ tôi được xuất viện trở về, tôi mừng lắm, vợ chồng tôi xin cảm ơn các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa Cấp cứu A9 đã hồi sinh sự sống cho vợ tôi.”
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi cho biết trưa 3/4/2020, Khoa Cấp cứu A9 nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện đa khoa Hà Đông về sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán: sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến và đồng ý tiếp nhận người bệnh, hướng dẫn đội vận chuyển Bệnh viện Hà Đông vận chuyển an toàn cũng như chuẩn bị đội tiếp nhận bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai theo quy trình.
Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn khi đó lập tức được khởi động. Kíp cấp cứu nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp và khẩn cấp đưa bệnh vào khu can thiệp cao trong Khoa Cấp cứu.
Sau 15 phút, bệnh nhân tái lập tuần hoàn và được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ở chỉ số vô cùng thấp: tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn với các thuốc vận mạch liều cao, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, tình trạng toan chuyển hoá nặng và rối loạn đông máu...
Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, một khối lượng hồng cầu lớn cùng với các chế phẩm máu khác (khối tiểu cầu, plasma tươi đông lạnh, cryo) được truyền cho người bệnh.
Nhận định đây là một trường hợp sốc nặng, nguy cơ tử vong cao, việc hồi sức cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, Ban Giám đốc bệnh viện đã tổ chức triển khai hội chẩn liên khoa để tìm ra phương án tối ưu.
Hội đồng hội chẩn đã thống nhất chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn, mất máu nặng, rau bong non, rối loạn đông máu đã cắt tử cung bán phần. Do đó, các bác sỹ tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hồi sức chuyên sâu.
Sau đó, sản phụ được các bác sỹ theo dõi sát sao và đưa ra các phác đồ điều trị linh hoạt, bám sát thực tiễn diễn biến của bệnh.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Đến 16 giờ 20, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thực hiện ép tim. 15 phút, 30 phút, 45 phút rồi 60 phút ép liên tục nhưng trái tim của sản phụ vẫn không có nhịp.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi cho biết, sau hơn 120 phút ép tim liên tục, bằng sự kiên trì và quyết tâm của kíp cấp cứu A9, sản phụ Tân tái lập tuần hoàn trở lại. Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn rất bấp bênh, nguy cơ tử vong rất cao, mặc dù đã tiến hành các biện pháp hồi sức hiện đại.
Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần, huyết động, hô hấp, rối loạn đông máu và tình trạng toan hoá máu được đã có các dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mát máu vẫn tiếp diễn, sonde dạ dày bệnh nhân ra máu đỏ tươi, bệnh nhân lập tức được nội soi dạ dày cầm máu cấp cứu.
Sau 72 giờ, huyết động bệnh nhân đã ổn định hơn, huyết áp 110/70 mmHg, không còn toan chuyển hoá... bệnh nhân được ngừng an thần đánh giá ý thức. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.
(Vietnam+)