pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sắp phá sản, lật ngược thế cờ nhờ thương mại điện tử
Nghẹn ngào khi nhìn nữ công nhân thiếu việc
Sản xuất sản phẩm phục vụ công nghiệp làm đẹp là ngành đặc thù, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn và đặc biệt là sự kiên trì do phần lớn công đoạn đều là thủ công, không sử dụng máy móc hoặc bất cứ lập trình nào. Chính vì vậy, thời điểm khởi nghiệp vào năm 2013, chị Trần Bảo Ngọc - Giám đốc công ty M.i.in Eyelash (sản xuất lông mi nhân tạo), đã tuyển dụng cả 20 công nhân là nữ. Phương thức kinh doanh truyền thống thời điểm đó để kết nối đơn hàng là bằng Google, Trang vàng và các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam hoặc gọi điện thoại trực tiếp tới các salon, shop làm đẹp.
Sau 3 năm loay hoay, doanh nghiệp rơi vào tình trạng "hấp hối", hàng trăm mail gửi đi không hồi đáp. Không có đơn hàng, công nhân lần lượt nghỉ việc. Nghẹn ngào nhìn các nữ công nhân mất việc, chị Trần Bảo Ngọc quyết tâm kéo họ trở lại và cứu công ty.
Tháng 3/2016, khi thương mại điện tử vào thị trường Việt Nam, chị Trần Bảo Ngọc tìm đến Alibaba.com. Ban đầu chỉ nghĩ làm thử cho biết, không ngờ chỉ vài ngày sau khi đăng ký tài khoản và giới thiệu sản phẩm, M.i.in nhận được đơn hàng đầu tiên từ Nga. Bằng sự nhanh nhạy, chị Ngọc xác định, đây là cứu cánh cho công ty. Thành quả ngoài sức tưởng tượng: Sau 3 tuần M.i.in nhận được 2 đơn hàng từ Bỉ và Nga, lấy lại khoản đầu tư ban đầu. Hai tháng sau, công ty nhận được phản hồi từ hai khách hàng lớn châu Âu, rồi hai thị trường "khó tính" nổi tiếng về ngành làm đẹp là Nhật và Hàn Quốc. "Chỉ một tháng, sau khi tham gia thành viên vàng trên Alibaba.com, số lượng khách hàng của chúng tôi ngang bằng với số lượng khách hàng có được trong 2 năm trước khi tham gia thành viên. Tới giờ tôi vẫn chưa dám tin vào kết quả này!" - nữ CEO hào hứng chia sẻ.
Điều mà chị Bảo Ngọc và cộng sự vui nhất, đó là 20 nữ công nhân đã có công việc tốt trở lại trong niềm hân hoan. Số lượng công nhân nữ của M.i.in đến thời điểm này là 100 người. Sau hơn 2 năm hoạt động, công ty mở thêm một xưởng mới. Mà đơn hàng hiện đang trong tình trạng quá tải. Khách hàng phải chờ 2 tháng mới có thể nhận được sản phẩm thay vì 2 - 3 tuần như trước đây.
Gia đình, đồng nghiệp là hậu phương
Chị Trần Bảo Ngọc không phải là người phụ nữ đầu tiên khởi nghiệp thành công bằng thương mại điện tử. Với nền tảng công nghệ, chỉ bằng vài cú nhấp chuột, nhiều nữ doanh nhân đã thành công dù IT hay internet với họ đều lạ lẫm. Do cạnh tranh khốc liệt nên các nền tảng thương mại điện tử tung ra nhiều khóa đào tạo miễn phí, tạo nhiều cơ hội, điều kiện tối đa và các hoạt động thường xuyên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như M.i.in thử sức, điển hình như Alibaba.com. "Thông qua thương mại điện tử, mọi người có thể mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn hoặc chuyển tiền chỉ bằng một cú nhấp chuột. Alibaba.com có những phân tích dữ liệu chi tiết về các thói quen, nhu cầu của người mua, phân tích dữ liệu khách hàng để nhà cung cấp đưa ra những chiến lược riêng cho mình nhằm thu hút khách hàng và nhận được đơn hàng nhiều hơn" - chị Bảo Ngọc cho hay.
Theo chị Ngọc, trong kinh doanh điện tử, vì khách hàng không thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm bằng mắt, hay cầm nắm sản phẩm, nên hình ảnh sản phẩm càng rõ ràng, bạn càng có cơ hội gây dựng lòng tin từ khách hàng. "Ngoài ra, yếu tố phản hồi nhanh chóng và chính xác đóng vai trò quan trọng không kém. Khách hàng luôn đánh giá cao việc phản hồi gần như ngay lập tức của doanh nghiệp. Chúng tôi dường như là những người "không bao giờ ngủ" để phản hồi khách hàng càng sớm càng tốt" - chị tâm sự.
Điều cuối cùng quyết định thành bại của nữ doanh nhân này chính là gia đình - hậu phương đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Với tôi, ngoài sự không ngừng nỗ lực vươn lên, chính là tập thể các đồng nghiệp và gia đình là hậu phương ở phía sau đã giúp tôi toàn tâm toàn ý với công việc" - nữ doanh nhân chia sẻ.