Sau chuyển phôi khi thụ tinh trong ống nghiệm, cần lưu ý gì?

26/07/2019 - 13:00
Hiện Việt Nam có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Không ít trong số này phải thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhiều người quan niệm, nằm bất động lâu sau chuyển phôi thì sẽ tăng cơ hội đậu thai nhưng thực tế có như vậy?

Theo bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, hiện có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạp và IVF… Với IVF, sau một thời gian lấy trứng và tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ sẽ chuyển phôi vào trong tử cung và đặt phôi vào giữa lòng tử cung.

Phôi sẽ nằm trong lòng tử cung khoảng 3-4 ngày, sau đó sẽ bám dính vào nội mạc tử cung để làm tổ. Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung tại điểm tiếp xúc với phôi, ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài tử cung.

chuyen-phoi-15456179549971731835874.jpg
Mô hình thể hiện bước chuyển phôi vào tử cung

 

Bản thân phôi thai là hợp tử rất nhỏ bé, với trọng lượng, kích thước vô cùng nhỏ (tương đương một hạt bụi) chỉ có thể thấy qua kính hiển vi nên gần như không bị tác động của trọng lực sau khi đã đặt vào bên trong buồng tử cung ẩm ướt và có nhiều nếp gấp của nội mạc tử cung. Hơn nữa, đa số phụ nữ có tử cung ngả gập trước.

Do đó khi sản phụ đứng dậy, thân tử cung có tư thế nằm ngang, trong khi nếu phụ nữ nằm thì tử cung lại có tư thế đứng. Như vậy, nếu thật sự có tác động của trong lực, khi phụ nữ ở tư thế đứng, vị trí của tử cung có tác động giữ phôi tốt hơn tư thế nằm.

Ngoài ra, lớp nội mạc tử cung có cấu tạo gồ ghề như đồi núi, không để cho phôi thai tuột ra dễ dàng. Điều này giúp cho các mẹ bầu có thể hoạt động bình thường mà không cần quá lo lắng.

Thông thường ở những người có thai tự nhiên, phôi vẫn đến tử cung vài ngày trước khi làm tổ. Khi đó, người phụ nữ không thể biết là đã có phôi trong tử cung nên vẫn đi lại, sinh hoạt, vận động, thậm chí có thể tập thể dục hay vận động mạnh, nhưng phôi vẫn làm tổ và có thai bình thường.

Theo bác sĩ Dung, kết quả một nghiên cứu so sánh 120 bệnh nhân nằm nghỉ sau chuyển phôi 10 phút và 120 bệnh nhân bước xuống giường ngay, rồi đi lại sau chuyển phôi cho thấy: Tỉ lệ đậu thai cao hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm không nằm nghỉ so với nhóm nằm nghỉ 10 phút sau chuyển phôi (lần lượt là 56,7% và 41,6%). Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đậu thai giảm ở nhóm nằm nghỉ sau chuyển phôi nhưng các khoa học cho rằng, không nên kết luận việc nằm nghỉ sau chuyển phôi 10 phút làm giảm tỉ lệ đậu thai, mà chỉ nên đánh giá việc nằm nghỉ sau chuyển phôi là thực sự không cần thiết, dù chỉ là 10 phút.

dau-hieu-dau-bung-duoi.jpg
Không nên nằm bất động lâu sau chuyển phôi. Ảnh minh họa

 

Như vậy, nằm nghỉ sau chuyển phôi thực sự không cần thiết và không làm tăng khả năng có thai sau điều trị. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy, nằm bất động sau chuyển phôi có thể ảnh hưởng bất lợi đến tỉ lệ làm tổ của phôi, đặc biệt là khi thời gian nằm nghỉ quá dài.

Chính vì vậy, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung cho rằng, các chị em có thể nghỉ ngơi một vài tiếng sau chuyển phôi, sau đó sinh hoạt bình thường nhưng cần tránh các việc nặng nhọc và làm quá sức. Đặc biệt là nên giữ tinh thần thư thái, thoải mái, vui vẻ.

Sau khi có thai, chị em nên vận động nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu, giúp máu có thể đến tưới các cơ tử cung làm cho thai phát triển tốt hơn; không nên thức quá khuya, cần duy trì ngủ đủ 7-8 tiếng và dành khoảng 30-45 phút cho việc nghỉ trưa; không đi giày, dép cao gót. Không làm việc gắng sức, tránh đứng hay ngồi một chỗ quá lâu. Ngoài ra, nên ăn uống đầy đủ các chất. Tuy nhiên trong ba tháng đầu nên tránh ăn các thực phẩm gây co bóp tử cung và các thực phẩm nóng gây táo bón cho bà bầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm