Sau dịch Covid-19, chuyên gia cảnh báo trẻ mắc hội chứng này tăng đột biến, có thể ảnh hưởng thần kinh khi trưởng thành

Tuấn Minh
12/04/2023 - 15:21
Sau dịch Covid-19, chuyên gia cảnh báo trẻ mắc hội chứng này tăng đột biến, có thể ảnh hưởng thần kinh khi trưởng thành

Kiểm soát việc xem tivi, điện thoại... ở trẻ nếu không muốn con bị hội chứng Tic

Phát hiện kịp thời và đưa con đi điều trị nếu trẻ có biểu hiện, chuyên gia cũng khuyên cha mẹ nên có hướng phòng tránh sớm.

Sau dịch Covid-19, xuất hiện nhiều trẻ mắc hội chứng Tic

Theo BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM), dịch Covid-19 vừa qua để lại nhiều hệ lụy. Trong đó không thể không nói đến việc gia tăng mắc nhiều bệnh liên quan đến thần kinh ở trẻ nhỏ. Điển hình là hội chứng Tic.

Sau dịch Covid-19, chuyên gia cảnh báo trẻ mắc căn bệnh này tăng đột biến - Ảnh 1.

Học trực tuyến làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Tic.

Chuyên gia nhận định, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ em không được đến trường. Trẻ mầm non, mẫu giáo chỉ quanh quẩn trong nhà. Môi trường sống, học tập, vui chơi của trẻ bị gói gọn trong 4 bức tường. Lúc này, tivi, điện thoại, ipad vô tình trở thành người bạn thân của con. Chúng là giải pháp giúp trẻ giết thời gian, yên ổn vượt qua những đợt dịch nguy hiểm.

Chưa kể, trẻ lớn phải học trực tuyến trong giai đoạn này cũng là nguyên nhân làm gia tăng rối loạn Tic. Chúng bắt đầu từ việc thường xuyên tiếp xúc màn hình máy tính, trẻ sao nhãng học tập, vừa học vừa khám phá thêm các trang web khác...

Tất cả những việc tưởng chừng bé nhỏ đó lại gây ra những hậu quả kéo dài. Bắt đầu từ khoảng cuối năm ngoái, khoa Nội nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) tiếp nhận nhiều trẻ mắc hội chứng Tic. Trung bình, mỗi ngày khoa này tiếp nhận 5-6 bệnh nhi mắc hội chứng Tic với những biểu hiện như nheo mắt, lắc đầu, nhún vai, hắng giọng, la hét, lặp lại một câu từ nhiều lần…

Sau dịch Covid-19, chuyên gia cảnh báo trẻ mắc căn bệnh này tăng đột biến - Ảnh 2.

Rối loạn Tic là một trong những tình trạng rối loạn chức năng của dây thần kinh.

Theo BS nhi khoa Đoàn Hải Đăng (từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), rối loạn Tic là một trong những tình trạng rối loạn chức năng của dây thần kinh khiến cho người bệnh có những cử chỉ, động tác lặp đi lặp lại, hoặc phát ra những âm thanh, tiếng kêu, tiếng động lặp đi lặp lại không có kiểm soát.

Vậy, trẻ mắc hội chứng Tic có những biểu hiện cụ thể là gì?

BS Đoàn Hải Đăng cho biết, trẻ mắc rối loạn Tic thường có những biểu hiện cụ thể như:

- Trẻ bị Tic âm thanh đơn giản: Thở dài, ho, lẩm nhẩm. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác có thể đi kèm như ho, hắng giọng, la hét.

- Trẻ bị Tic vận động đơn giản: Ngoáy đầu, lắc đầu, chu mũi, nhún vai, giật cơ hàm, khom lưng.

- Trẻ bị Tic âm thanh phức tạp: Nói các từ, các câu lặp đi lặp lại không phù hợp bối cảnh. Trẻ nhại lại lời của chính mình hoặc giọng của người khác. Trẻ nói thành tiếng lẩm nhẩm trong miệng.

- Trẻ bị Tic vận động phức tạp: Nhảy nhót, tự cắn, tự vỗ vào người, giậm chân, xoay tròn…

Sau dịch Covid-19, chuyên gia cảnh báo trẻ mắc căn bệnh này tăng đột biến - Ảnh 3.

Chú ý những dấu hiệu hội chứng Tic ở trẻ để đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Theo chuyên gia Nhi khoa, hội chứng Tic thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Trong đó có khoảng 20% đang trong độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này. "Đáng nói, hiện nay, độ tuổi của trẻ mắc hội chứng Tic đang có xu hướng nhỏ dần", BS Đăng cảnh báo.

Việc chủ quan bỏ qua những biểu hiện sớm của hội chứng Tic ở trẻ hiện nay khiến tình trạng bệnh của con thêm nặng nề. "Thông thường, độ tuổi của trẻ mắc hội chứng Tic trầm trọng hiện nay là 11-12 tuổi", chuyên gia cho hay. Sau đó, rối loạn Tic giảm dần ở tuổi dậy thì.

Ở một số trẻ, rối loạn Tic có thể biến mất hoàn toàn không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ sẽ tồn tại di chứng, dẫn đến một số bệnh lý thần kinh khác ở tuổi trưởng thành. 

"Chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Tic nhưng từ thực tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy hội chứng Tic chỉ xuất hiện ở nhóm trẻ sử dụng tivi, điện thoại… quá nhiều mỗi ngày", BS Đăng nhấn mạnh.

Giới chuyên gia khuyến cáo, quy tắc cho trẻ xem tivi, điện thoại, iPad cần thiết được áp dụng ngay bây giờ, trước khi quá muộn. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, điện thoại... theo bất cứ hình thức nào. 

Nếu con bạn có những dấu hiệu mắc hội chứng Tic, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để xác định. Từ đó có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời, tránh để càng lâu dài càng nhiều hệ lụy cho trẻ trong tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm