Sau hơn 3 tháng du lịch mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn cần gỡ khó

Anh Quân
04/07/2022 - 10:01
Sau hơn 3 tháng du lịch mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn cần gỡ khó

Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch nước ngoài. Ảnh: Asia Exotica

Dù du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và đón nhận nhiều tín hiệu khả quan nhưng theo một số doanh nghiệp lữ hành, vẫn còn những rào cản đối với quá trình lấy lại đà tăng trưởng du lịch.
"Đã đón được khách nước ngoài nhưng là nhóm nhỏ"

Chị Bùi Băng Giang, Giám đốc công ty du lịch Asia Exotica (Hà Nội), chia sẻ: Cũng như nhiều công ty du lịch khác và toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành lữ hành, hai năm dịch Covid-19 là giai đoạn du lịch "ngủ đông". Tuy nhiên, công ty vẫn có những hoạt động nhỏ. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2021, chị Giang đã bắt đầu làm các hoạt động marketing. "Ở thời điểm ít người nghĩ đến những hoạt động marketing, chúng tôi vẫn hoạt động marketing. Đến cuối năm 2021, tôi đã sẵn sàng và đầu tiên là công ty liên doanh ở Thái Lan, đón khách vào tháng 11, tháng 12. Tại Việt Nam, ngay trong tháng 1 và tháng 2/2022, chúng tôi đã chuẩn bị các sản phẩm và nhân lực để có thể đón khách. Khi du lịch chính thức mở cửa vào ngày 15/3 thì cuối tháng 3 và đầu tháng 4, chúng tôi đã đón khách thành công", chị Băng Giang nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Mekong Rustic, cho biết: Thời gian du lịch "ngủ đông" chính là lúc đội ngũ trong công ty chuẩn bị thêm nhiều bộ sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách. Trong đó, công ty hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn Việt Nam, du lịch gắn với các sản phẩm OCOP tại các địa phương, để mang đến trải nghiệm mới cho du khách quốc tế, tạo ra sự khác biệt của du lịch Việt Nam so với sản phẩm du lịch của các quốc gia khác.

Với sự chuẩn bị và khởi động từ khá sớm, chị Bùi Băng Giang và anh Nguyễn Ngọc Bích đều kỳ vọng du lịch có thể phục hồi vào cuối năm 2023. Những người đứng đầu của Asia Exotica và Mekong Rustic chia sẻ: Ở thời điểm hiện tại, công ty của họ cũng như các công ty lữ hành khác đã đón được khách nước ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là nhóm khách, đoàn khách nhỏ, còn đoàn khách số lượng lớn, lên tới cả trăm người như thời điểm trước dịch thì chưa có. "Nguyên nhân có thể kể đến một số khó khăn về chính sách visa, thị thực, giá vé máy bay tăng cao hay một số thủ tục khác", anh Ngọc Bích cho biết.

Yêu cầu về thủ tục cần thân thiện hơn với du khách

Theo chị Bùi Băng Giang, dù Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phục hồi du lịch ngay khi mở cửa trở lại như áp dụng lại chính sách thị thực cũ, với việc miễn thị thực cho nhiều quốc gia ở châu Âu nhưng việc xin thị thực của nhiều các quốc gia khác còn gặp khó khăn. Đơn cử, những yêu cầu về bản sao chứng nhận tiêm vaccine, bảo hiểm du lịch, vé khứ hồi của chuyến bay, lịch trình tour, thẻ hướng dẫn, tên công ty… "Như Thái Lan, du khách chỉ cần điền thông tin vào một đường link, chỉ trong một thời gian ngắn du khách sẽ nhận được trả lời có được chấp nhận vào Thái Lan hay không. Trong khi Việt Nam chưa làm được điều đó", chị Băng Giang nói.

Bên cạnh đó, những thủ tục liên quan đến khai báo điện tử của Việt Nam cũng chưa thân thiện với du khách. Cụ thể, khách đăng ký thị thực điện tử nhưng đến 35 ngày sau vẫn chưa có câu trả lời. Người đăng ký không biết liên hệ với ai để nhận được thông tin. Hoặc khi muốn thay đổi địa điểm chuyến bay hạ cánh, họ cũng không biết liên hệ với ai… Chị Băng Giang bày tỏ mong muốn những yêu cầu về thủ tục hành chính sẽ thuận lợi hơn với khách du lịch, để khuyến khích họ đến Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng của năm 2022, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; đường bộ tăng 47%; bằng đường biển giảm 50,8%...
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm