Sau khi chạy bộ 5km dưới trời nắng, nam thanh niên rơi vào hôn mê

Mộc Trà
08/06/2023 - 20:23
Sau khi chạy bộ 5km dưới trời nắng, nam thanh niên rơi vào hôn mê

Ảnh minh họa

Nam thanh niên nhập viện trong tình trạng sốc nhiệt có tổn thương tạng (gan, thận, huyết học) sau khi chạy bộ tập thể dục 5km.

Những ngày qua, hầu hết các khu vực trên cả nước ta đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt diện rộng, nền nhiệt phổ biến từ 37-40 độ C, nhiều nơi trên 40 độ C (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ngày 5/6/2023). Trong cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng.

Mới đây, nam thanh niên (29 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện với chẩn đoán sốc nhiệt có tổn thương tạng (gan, thận, huyết học). Theo lời kể của gia đình, sau khi chạy bộ được khoảng 5km vào lúc 17 giờ chiều, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng toàn thân, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê và được người nhà kịp thời đưa vào cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng men cơ creatinin kinase (CK) 1.080.000 U/l; men gan tăng GOT 1800 U/l, GPT 14000 U/l; suy thận mức lọc cầu thận giảm 50 ml/ phút; giảm tiểu cầu 84 G/l, chức năng đông máu giảm, phần trăm prothrombin (PT) 55%. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được kiểm soát thân nhiệt, truyền dịch, bù điện giải và các phương pháp điều trị nội khoa tích cực khác. Sau hơn 1 tuần, bệnh nhân đã cải thiện chức năng các tạng, ra viện và không để lại di chứng.

Trường hợp kể trên do bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng gay gắt luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

TS.BS Phạm Đăng Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: "Sốc nhiệt (heat stroke) có thể được chia thành 2 loại gồm sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke) và sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke). Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau khi tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Còn sốc nhiệt do gắng sức thường gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao kèm theo sự sinh nhiệt trong lúc tập thể dục hay hoạt động gắng sức".

Chạy bộ 5km dưới trời nắng, nam thanh niên rơi vào hôn mê - Ảnh 1.

Ảnh: BVCC

Sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng để giúp chúng ta giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong.

"Một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, tiêu chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô", BS Hải cho biết.

Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiệt

Hạ thân nhiệt nhanh chóng và hỗ trợ phục hồi chức năng của các cơ quan cho người bệnh là hai điều cốt lõi trong cấp cứu và điều trị sốc nhiệt. Người cấp cứu cần đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng các cách sau:

- Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt

- Xối nước lạnh 25- 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20- 25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống.

- Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.

Việc hạ thân nhiệt nhanh chóng cho bệnh nhân là điều cần thiết, tuy nhiên việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất cũng rất cấp thiết. Người cấp cứu có thể vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt cho bệnh nhân.

Phòng tránh sốc nhiệt

Để phòng tránh nguy cơ bị sốc nhiệt, người dân cần lưu ý các điều sau:

- Phân loại các đối tượng có nguy cơ: trẻ em, người già, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt để có các biện pháp phòng chống và có kế hoạch rèn luyện sức khỏe phù hợp. Những người mắc các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

- Khuyến khích các tổ chức đoàn thể có các chương trình phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của tình trạng sốc nhiệt để giúp chẩn đoán, điều trị sớm.

- Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.

- Trường hợp bắt buộc phải lao động sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng, người dân cần uống đủ nước, che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm