Sau nhà có một dòng sông

16/07/2016 - 15:06
Ông tôi bảo từ hôm có người đuối nước dạt vào đây, dường như ai cũng thấy rợn, cầu ao không nhộn nhịp mỗi sáng mỗi chiều như trước.
Trong một cuộc bình chọn thời thơ ấu, nói đúng hơn là một vụ cãi cọ xoay quanh chủ đề “Ai là người sướng nhất” của lũ trẻ con chúng tôi, không biết là hạnh phúc hay bất hạnh, tôi được thống nhất là người đứng đầu bảng. Nguyên do chính yếu là bởi sau nhà tôi là một dòng sông.
Đó là một dòng sông đúng nghĩa gốc của hai từ “trong xanh”. Đối với lũ trẻ chúng tôi, trừ chỗ đất bồi lên thường nhảy xuống tắm, sông sâu đến nỗi không biết đáy ở đâu. Ông tôi cho bắc một cầu ao. Tinh mơ, mẹ tôi đã đi cắt rau muống về rửa để mang ra chợ bán. Bèo xanh nổi lềnh bềnh trên mặt nước rồi gió đưa chảy xuôi theo dòng. Rõ ràng, ở cạnh một dòng sông thú gấp nghìn lần nhà có ao, nước không bị tù, giặt giũ, làm cá, rửa rau, tắm táp đều nhờ cả vào sông. Đúng là chả ai sướng như tôi.

Cứ mỗi chiều hè, lũ trẻ trong xóm lại rồng rắn đi qua khoảng sân tráng xi măng của nhà tôi. Rồi cứ để nguyên quần áo, cả lũ nhảy ùm xuống sông. Hết nghịch ngợm, trêu đùa, kỳ cọ lại nhảy lên bờ vặt ổi xanh, mít xanh, rồi lại dầm xuống sông, mãi đến lúc cha mẹ réo gọi hoặc cầm roi đến mới chạy thục mạng về nhà. Mà lạ lắm, mùa hè sông mát, mùa đông sông ấm. Sông như người quạt nồng ấp lạnh cho lũ trẻ quê mùa chúng tôi. Nghe tôi thủ thỉ cỏ bên kia sông xanh tốt lắm, cha tôi kiếm đâu ra một con thuyền cũ, dạy chị em tôi chèo. Thế là cứ cách vài ba hôm, đi học về sớm, hai chị em lại mải miết chèo sang sông, chọn những bờ cỏ tươi non nhất, lia mũi liềm cắt ngọt. Hai chú trâu nhà tôi cứ gọi là lúc nào bụng cũng tròn căng, ai nhìn cũng thấy thích mắt.
Cỏ cắt xong không cần mang đi xổ. Bóng chiều đổ xuống, chị em tôi vẫy vùng tắm trong làn nước mát lành của bến lạ. Đến khi trăng lên mới vội vã xếp hai rổ cỏ lên thuyền chèo về bờ bên kia. Cũng những đêm sáng trăng, ông tôi ngồi như bất động ở chỗ nước lặng, thả cần. Sáng ra, chị em tôi thể nào cũng có cá rán thơm phức ăn với cơm rang trước lúc đến trường. Mấy chiều cuốc bẵm, mẹ tôi có được một vuông đất sát ngay bờ sông để trồng thêm mùng tơi, rau dền, một giàn mướp hương. Được tưới táp thường xuyên, ngọn rau cứ đâm lên mơn mởn. Mẹ phải rào giậu kỹ kẻo bọn trẻ con đến tắm dẫm nát.

Thích nhất là những hôm nhà có giỗ. Chú, bác, cô, dì tề tựu đông đủ ở nhà tôi. Người đãi đỗ, người thịt gà, làm cá, rửa rau cứ rộn rã cả cầu ao của ông tôi. Xong việc, mẹ lại mang tất nồi niêu, bát đũa ra đấy kỳ cọ sạch sẽ. Có những lần tôi giận dỗi bỏ cơm, cứ ngồi lỳ ở cầu ao thả cỏ nhử lũ cá lia thia. Chị tôi đến tuổi thiếu nữ, anh trai làng bên sang chơi, cũng ngồi bên cầu ao nói những chuyện gì cho đến khi trăng lên cao tầng trời. Dòng sông còn thân thiết hơn chiếc giường tôi ngủ, bát đũa tôi ăn, cuốn sách tôi đọc. Xa sông một hôm, tôi chỉ muốn trở về, chạy ra chái hè thân thuộc, vốc nước mát lên gương mặt, mọi mệt mỏi, bụi bặm cứ thế tiêu tan.

Thế rồi có một mùa hè, tôi xa nhà lên phố ôn thi đại học. Một chiều trở về, ào ra sông như mọi lần thấy vắng teo. Cầu ao khô cong như từ lâu lắm không có người lai vãng, lũ trẻ trong xóm cũng không thấy tăm dạng. Ông tôi bảo từ hôm có người đuối nước dạt vào đây, dường như ai cũng thấy rợn, cầu ao không nhộn nhịp mỗi sáng mỗi chiều như trước. Người đuối nước ông tôi đã vớt lên, người nhà tới nhận và chôn cất tử tế rồi. Ổi trong vườn chín rụng đầy gốc, hoa mướp nở vàng ươm, mùng tơi quấn quýt rào dậu...

Tôi lớn rồi xa. Lũ trẻ sau này cũng có nhiều thú chơi khác, không còn tha thiết nhảy cầu ao của ông tôi nữa. Ông tôi mất. Chị tôi đi lấy chồng. Con thuyền chòng chành bên sóng nước hàng đêm.

Một ngày nào đó, tôi muốn dẫn anh, người vẫn ở đâu đó giữa mọi người về, chỉ cho anh thấy dòng sông chảy sau nhà tôi, bãi cỏ xanh rợn chân trời phía bờ kia và “lặng yên vớt trăng hồng” như ngày chúng tôi hãy còn thơ ấu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm