Sẽ bố trí cây ATM, quầy bán hàng tự động trên tàu Cát Linh - Hà Đông

Nguyễn Long
21/11/2021 - 13:08
Sẽ bố trí cây ATM, quầy bán hàng tự động trên tàu Cát Linh - Hà Đông

Người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong sáng 21/11.

Ông Vũ Hồng Trường Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đơn vị quản lý sẽ tăng tiện ích cho hành khách đi tàu trong thời gian tới.

Nhiều bài học kinh nghiệm từ đợt chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông

Sau 15 ngày chạy miễn phí, từ ngày 21/11 tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu bán vé thương mại phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Theo đó, giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách. Trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến từ Cát Linh đến ga Yên Nghĩa và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 1.

Nhân viên hướng dẫn hành khách mua vé

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, trong 15 ngày vận hành miễn phí (từ 6/11 đến 22h ngày 20/11) đơn vị đã vận chuyển được 2.554 chuyến tàu an toàn, chở 380.510 hành khách. Bình quân 1 ngày tàu Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 25.300 khách. Trong đó, ngày thường có khoảng 9.000 hành khách đi tàu, còn vào 2 ngày nghỉ cuối tuần vào khoảng 38.000 khách.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 2.

Hành khách khai báo y tế trước khi lên tàu

"Việc ngày thường vắng khách hơn thứ 7, chủ nhật nằm trong dự kiến của đơn vị và đây cũng là quy luật chung nhu cầu đi lại của người dân. Kết quả 15 ngày vận hành miễn phí, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để vận hành tốt hơn", ông Trường cho hay.

Cũng theo ông Trường, đây là kết quả tốt nhất trong dự tính của Metro. Nguyên nhân đó là sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy Hà Nội, sự vào cuộc hết mình của các sở ban ngành Hà Nội. Có những quyết định của UBND TP Hà Nội ký lúc nửa đêm, nhằm khắc phục những hạn chế của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 3.

Sau 15 ngày tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển 2.554 chuyến

"Đối với một tuyến đường mới, chắc chắn sẽ có những phát sinh. Quan trọng là lãnh đạo Hà Nội đã sớm nhận ra, và chỉ đạo khắc phục kịp thời. Chúng tôi cũng rất cảm ởn người dân đã ủng hộ. Phát triển đường sắt đô thị là xương sống cho mạng giao thông đô thị ở thành phố lớn", ông Trường nói.

Người trên 60 tuổi chỉ cần cầm thẻ đi xe buýt đến là có thể đi miễn phí

Cũng theo lãnh đạo Metro, những ngày đầu tiên bắt đầu chạy miễn phí, để có được sống liệu thống kê hành khách phải đợi đến 2h sáng hôm sau, còn bây giờ 11h đêm là đã có số liệu. Để có được những thành tích như vậy, các nhân viên Metro đã làm việc bằng 200% sự tâm huyết.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 4.

Hành khách đi tàu chủ yếu là những người trẻ tuổi

"Các nhân viên vệ sinh thay nhau làm việc 24/24 để giữ cho khu vực tàu luôn sạch sẽ, lực lượng bảo vệ tàu cũng luôn làm việc hết mình. Đến nay vẫn chưa đòi hỏi tiền nong gì. Từ những số liệu thống kê, có thể thấy người dân rất ủng hộ, thực sự chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Chỉ khi nào người dân ủng hộ thì mới thành công được", ông Trường nói và cho biết, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân chính là động lực để Metro ngày càng hoàn thiện hơn.

Ông Trường cho biết thêm, Metro đã lên kịch bản cho 1 năm sắp tới. Đó là về về mặt pháp lý, các hình thức vé, quy trình quản lý vé… Vé ngày là 30.000 đồng do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phát hành, đối tượng trên 60 tuổi chỉ cần cầm thẻ đi xe buýt đến là có thể đi miễn phí. Đi vé tháng chỉ mua và đi, riêng vé ngày là vé khách, khi vào là quẹt, khi ra cũng quẹt chứ không đút vào để nuốt mất vé.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 5.

Lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu thu tiền vắng vẻ hơn những ngày miễn phí

"Đã có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi đến hết chuyến, chúng tôi đã xử lý, yêu cầu trả thêm tiền. Có thể hành khách chưa quen với việc này nên chúng tôi đã bổ sung 100 nhân viên để hướng dẫn người mua vé, di chuyển sao cho đúng. Những ngày đầu vận hành, mỗi ngày đường dây nóng nhận hàng trăm cuộc gọi, chủ yếu là để tìm đồ thất lạc. Tuy nhiên những ngày tiếp theo chỉ còn 4, 5 cuộc…" ông Trường thông tin.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 6.

Nhiều hành khách cho biết, giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông là hợp lý

Ông Trường cho biết, mục tiêu sắp tới của Metro đó là nâng cao các tiện ích nhất cho hành khách chứ không phải vì lợi ích kinh doanh. Thời gian tới Metro sẽ bố trí cây ATM, quầy bán hàng tự động, quầy báo… ở sảnh chờ.

Trước những câu hỏi một số những bãi gửi xe tự phát quanh khu vực các nhà ga, thu tiền cao hơn, ông Trường cho rằng, vấn đề này Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải, còn Metro chỉ tập trung vào vận hành. Trong thời gian tới Metro sẽ phối hợp để giải quyết.

Sẽ sử dụng thường xuyên vì hợp lý

Chị Lê Thu Hương (quận Đống Đa) cho biết, quy trình mua vé lên tàu rất dễ, nhân viên nhiệt tình, lịch sự. Quan trọng là giá vé tương đối rẻ, phù hợp với những tiện ích của tàu mang lại, nếu giá vé vẫn giữ nguyên như thế này, chị sẽ sử dụng tàu thường xuyên vì hợp lý.

"Tàu đi êm và nhanh, vị trí ngồi rất thoải mái, ngắm phố phường Hà Nội từ trên cao cũng là một điều thú vị. Quan trọng nhất là tàu sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông rất nhiều", chị Hương nói.

Ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí: Có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng nhưng lại đi hết chuyến - Ảnh 7.

Sau nhiều năm chờ đợi, tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành vào ngày 6/11

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.

Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm một loại hình vận tải công cộng hiện đại lần đầu có mặt tại Việt Nam.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm