Shipper thật mất việc vì "shipper đểu"

Văn Long
16/12/2024 - 11:58
Shipper thật mất việc vì "shipper đểu"

Thu nhập của nhiều “shipper” bị giảm từ khi xuất hiện đối tượng mạo danh “shipper” để lừa đảo. Ảnh minh họa

Không chỉ nạn nhân bị đối tượng mạo danh “shipper” (người chuyển hàng) lừa đảo khiến “tiền mất tật mang” mà nhiều “shipper” chân chính cũng đang bị giảm thu nhập, thậm chí có người phải nghỉ việc, vì bị hiểu lầm là kẻ lừa đảo.
Bị dọa đánh vì tưởng là lừa đảo

Chị Lan Anh (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị bắt đầu làm "shipper" từ đầu năm 2019, với thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị phải nghỉ việc. "Trước đây mỗi ngày, tôi giao được khoảng 70-80 đơn hàng. 

Thế nhưng từ khi xuất hiện "shipper đểu", công việc của tôi bị ảnh hưởng nhiều. Mỗi ngày, tôi chỉ giao được khoảng 20-30 đơn hàng, có ngày còn thấp hơn", chị Lan Anh cho hay.

Khoảng 1 năm trở lại đây, khi đi giao hàng, chị Lan Anh thường bị nghi ngờ là "shipper đểu". Mỗi lần liên hệ với khách hàng để giao hàng, chị đều phải tốn rất nhiều thời gian để giải thích. Có người không nhớ là mình đã đặt mua gì, khi shipper gọi điện để giao hàng, vừa nghe máy, họ đã nghi ngờ là đối tượng lừa đảo, liền tắt máy. 

"Để giao được 1 đơn hàng bây giờ thật sự quá chật vật. Trong khi mỗi đơn giao, tôi chỉ nhận được tiền công là vài ngàn đồng, nếu 1 ngày giao 20-30 đơn thì thu nhập không đủ ăn. Trong khi hoàn cảnh của tôi rất khó khăn, nhà có 5 đứa con nhỏ, tôi phải tìm công việc khác thu nhập tốt hơn để lo cho gia đình", chị Lan Anh nói.

Một "shipper" khác là Lương Nguyên Phúc (23 tuổi, quê Tuyên Quang) cho biết, thu nhập của bản thân cũng bị giảm đáng kể từ khi xuất hiện "shipper đểu". 

"Trước đây, chỉ cần gọi điện và thông báo cho khách hàng là hàng đã được gửi dưới nhà, khách hàng sẽ chuyển tiền ngay, mỗi lần giao hàng như vậy chỉ mất khoảng vài phút. Còn bây giờ, đa số khách hàng đều hỏi lại khá kỹ, sau đó họ xuống tận nơi để kiểm tra hàng rồi mới chuyển tiền. Có những khách hàng, tôi phải ngồi chờ gần 30 phút mới xuống nhận. Cũng có người vừa nghe điện thoại đã dọa đánh vì tưởng tôi là lừa đảo", Phúc thở dài.

Mong lực lượng chức năng sớm xử lý nghiêm

Giảm thu nhập, liên tục bị tưởng là kẻ lừa đảo là tình trạng chung đối với nhiều "shipper" chân chính hiện nay. Anh Lê Văn Tùng (45 tuổi, làm "shipper" hơn 10 năm) cho biết, thông thường mỗi "shipper" chỉ giao hàng trong một khu vực nhất định, thậm chí chỉ hoạt động trong 1 - 2 dãy phố. 

Đối với những khách hàng quen thuộc, anh chỉ cần "để đồ chỗ cũ" và nhắn tin là họ sẽ chuyển tiền ngay. Thế nhưng đối với những khách hàng vãng lai, thi thoảng anh cũng bị nghi ngờ là kẻ lừa đảo. 

"Nhiều lúc tôi đi giao hàng, khách hàng nói chờ 5 phút nhưng phải đến 15 phút sau mới xuống. Mình có nhắc nhở khách là "lần sau xuống nhanh giúp em với" thì họ bảo: "Ai biết anh là ai, phải kiểm tra xem là shipper thật hay giả thì mới xuống chứ" rồi tỏ thái độ không vui, sau đó đánh giá 1 "sao" về hoạt động giao hàng của tôi. 

Thật sự tôi rất bực vì phải chịu hệ quả từ những việc làm sai trái của người khác. Tôi mong lực lượng chức năng sẽ sớm có những biện pháp xử lý nghiêm những đối tượng mạo danh shipper để lừa đảo", anh Tùng bày tỏ.

Theo anh Tùng, để nhận được sự tin tưởng của khách hàng, mỗi khi không gọi được cho họ, anh thường nhắn tin qua ứng dụng Zalo, chụp ảnh đơn hàng, nhà của khách, đôi khi cả mặt mình để minh chứng bản thân là shipper thật. Trước đây thì không cần như thế.

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin) cho rằng, hiện tượng giả mạo "shipper" để lừa đảo không chỉ ảnh hưởng đến người bị lừa đảo mà còn cả những "shipper" làm việc chân chính. 

Anh Hiệp cho rằng, cần phải siết chặt quản lý đối với các số thuê bao di động không chính chủ (sim rác). Đối với tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, ngoài việc đối tượng xấu thu thập dữ liệu qua các buổi livestream bán hàng, anh Hiệp đặt ra nghi vấn về việc mua bán thông tin khách hàng từ những nguồn không chính thống. 

"Tôi mong cơ quan chức năng cần rà soát và yêu cầu các trang thương mại điện tử kiểm tra, nâng cao tính bảo mật thông tin của khách hàng", anh Hiệp nêu.

Thủ đoạn giả mạo "shipper" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Các đối tượng lừa đảo lấy thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức, như: Mua thông tin khách hàng từ các nguồn bất chính hoặc tham gia các phiên livestream, truy cập vào trang, tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và thông tin đơn hàng của khách hàng đặt mua (như loại hàng, giá sản phẩm…) từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream và trang bán hàng. Sau khi thu thập được thông tin trên, các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín để gọi đến số điện thoại của khách hàng và thường chọn thời điểm giờ hành chính, khi khách hàng có thể không có mặt tại nhà. Nếu người nhận nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, chúng sẽ lập tức tắt máy.

Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng thường dễ dàng đồng ý với đề nghị để hàng vào trong sân nhà hoặc vị trí khác theo thỏa thuận và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp. Khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Khi nạn nhân muốn lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên, đối tượng sẽ gửi đường dẫn đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ. Ngoài số tiền đã chuyển khoản bị chiếm đoạt, khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử.

Với mỗi đơn hàng chiếm đoạt, những đối tượng này có thể chiếm đoạt từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm