pnvnonline@phunuvietnam.vn
Siết chặt quản lý bán thuốc online

Hoạt động bán thuốc online trên “chợ mạng” - Ảnh chụp màn hình
Cần ngăn chặn tình trạng bán "chui"
Trong một hội nhóm liên quan tới việc chăm sóc trẻ sau sinh với hàng nghìn thành viên, một trong những hoạt động của nhóm này là việc một bác sĩ thường xuyên tư vấn, bán các sản phẩm thuốc cho trẻ sơ sinh như thuốc nhỏ mũi, thuốc bôi da, vitamin D3K2, men vi sinh, tăng đề kháng…
Khá nhiều người đăng ký mua thuốc do một số sản phẩm hiệu thuốc gần nhà không có và thấy tiện.
Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), khi cuộc cách mạng chuyển đổi số diễn ra như vũ bão hiện nay thì nhu cầu mua bán thuốc online là tất yếu. Tại Việt Nam, thị trường bán thuốc online bắt đầu phát triển từ năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển.
Ước tính, hoạt động này đang chiếm khoảng 5%-8% thị phần bán thuốc, với hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Các chuyên gia y tế đánh giá cao việc bán thuốc không kê đơn qua sàn thương mại điện tử. Khi được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, việc mua bán thuốc online sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: tiết kiệm thời gian và công sức, đặc biệt là đối với những người sống ở khu vực xa trung tâm.
Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại hoặc máy tính, khách hàng có thể chọn và mua các loại thuốc cần thiết. Với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp và hiệu thuốc online, người tiêu dùng có thể so sánh giá và tìm được những sản phẩm có giá cả hợp lý.
Ngoài ra, nhiều website cung cấp các chương trình khuyến mãi và giảm giá, giúp giảm chi phí cho người mua. Trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn, việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn.
Dù có nhiều ưu điểm nhưng theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, do thuốc là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người sử dụng, nên cần được quản lý chặt chẽ.
Việc bán thuốc online tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng; quá trình giao hàng cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thuốc…
"Dù là thuốc không kê đơn nhưng khi mua thuốc online, điều tôi quan tâm nhất là sản phẩm đó phải là thuốc chính hãng, thuốc được phân phối bởi những đơn vị uy tín. Bên cạnh đó, cần phân biệt giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.
Do đó, việc quản lý bán thuốc online cần ngăn chặn tình trạng bán "chui" tràn lan hiện nay", bà Đặng Thị Hậu (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Xây hành lang pháp lý vững chắc
Luật Dược (sửa đổi) quy định chỉ cho phép bán lẻ các thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt; chỉ được phép bán thuốc kê đơn trong trường hợp đặc biệt khi có cách ly y tế, có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn sẽ thuộc danh mục các thuốc, nguyên liệu không phải kiểm soát đặc biệt.
Để siết chặt việc bán thuốc online, mới đây, Bộ Y tế tiến hành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến thực hành tốt trong bán lẻ thuốc, nhằm xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc bán thuốc qua phương thức thương mại điện tử.
Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc thông qua thiết bị, công nghệ thông tin và chỉ được bán thuốc sau khi đã tư vấn, hướng dẫn cho người mua thuốc.
Thuốc và bao bì vận chuyển sản phẩm phải được bảo vệ nhằm ngăn chặn các trường hợp tiếp cận mà không được phép. Các phương tiện chuyên chở và người vận hành phương tiện phải được đảm bảo an ninh nhằm tránh tình trạng bị thất thoát trong quá trình vận chuyển.
Người chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc phải được thông báo về tất cả các điều kiện liên quan đến việc bảo quản và vận chuyển thuốc. Các yêu cầu này phải được tuân thủ trong suốt quá trình vận chuyển.
Thuốc phải được bảo quản để bảo đảm: Không làm mất các thông tin giúp nhận dạng sản phẩm; sản phẩm không bị tạp nhiễm bởi sản phẩm khác; tránh việc thuốc bị đổ, vỡ, bị thất thoát, duy trì các điều kiện bảo quản của thuốc trong suốt quá trình vận chuyển.
Vật liệu bao gói và bao bì chứa hàng phải có thiết kế phù hợp để ngăn ngừa thuốc bị hư hại trong quá trình vận chuyển.
Theo thống kê, hiện nay, có hơn 80% các loại thuốc là thuốc kê đơn. Do đó, nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân là rất lớn. Theo Bộ Y tế, hiện đã triển khai quy chế hệ thống kê đơn điện tử quốc gia.
Đây là hệ thống quản lý thống nhất trên toàn quốc, giúp các cơ sở y tế, nhà thuốc quản lý đơn thuốc, giám sát hoạt động bán thuốc theo quy trình minh bạch.
Hệ thống này yêu cầu tất cả các nhà thuốc phải cập nhật thông tin mỗi khi phát hành hoặc bán thuốc theo đơn và liên kết chặt chẽ với các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc này.