Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư 22 về quy định điều kiện, thủ tục mở ngành và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học. Nhóm ngành sức khỏe được đặc biệt chú trọng.
Theo đó, để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo.
Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Ngành Y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.
Ngành Răng - Hàm - Mặt được quy định có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Việc mở nhóm ngành sức khỏe cũng cần đảm bảo những điều kiện cơ sở vật chất nhất định. Các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh...
Quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo nhóm ngành này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hoặc giám đốc ĐHQG và Giám đốc Đại học vùng được Bộ GD&ĐT ủy quyền.
Cơ sở không đảm bảo một trong các điều kiện quy định, tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép... sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Trong năm 2015, việc mở ngành y dược thuộc ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) gây tranh cãi gay gắt khi hai Bộ GD&ĐT và Y tế đã thống nhất cấp phép mở ngành cho trường này. Dư luận càng bức xúc khi điểm đầu vào ngành Y đa khoa trường này chỉ ở mức 18 điểm. Hiện hai bộ này đang xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi bổ sung đội ngũ và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng.
Đối với ngành Dược, Bộ Y tế và GD&ĐT đã đồng ý cho trường này mở ngành với điều kiện trường thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng, bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo hai bộ.