Siết doanh nghiệp đưa nữ lao động giúp việc đi Ả rập Xê út

17/04/2017 - 17:16
Thời gian qua, nhiều lao động Việt giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út (Saudi Arabia) kêu cứu, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị có rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động đưa lao động đi làm ở nước này và báo cáo chậm nhất ngày 25/4.
lao-dong-di-a-rap-xe-ut.png
Làm việc trong môi trường khép kín hộ gia đình, nữ lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út phải đối diện với nhiều nguy cơ bị đánh đập, quấy rối... (ảnh minh họa)

Như phunuvietnam.vn phản ánh, thời gian qua nhiều trường hợp nữ lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út kêu cứu vì bị đánh đập, bỏ đói, quỵt lương. Sáng nay 17/4, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Bộ này đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện ngay ít nhất 2 việc. Cụ thể, tùy viên lao động Việt Nam tại Ả rập Xê út phải đánh giá lại toàn bộ các hoạt động đưa lao động giúp việc sang làm việc tại nước này, trong đó phải chỉ rõ những mặt chưa được và những kiến nghị xử lý các việc phát sinh để quản lý tốt hơn. Đồng thời, Cục quản lý lao động ngoài nước cũng phải đánh giá lại toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động đưa lao động sang Saudi Arabia.

Theo đó, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả rập Xê út và Cục quản lý lao động ngoài nước phải có báo cáo vào ngày 25/4 về tình hình đưa lao động sang Ả rập Xê út và kiến nghị những giải pháp xử lý, hỗ trợ người lao động giúp việc gia đình được tốt hơn.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, trên cơ sở rà soát hoạt động đưa người lao động đi Ả rập Xê út, Bộ này sẽ làm việc với Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Việt Nam. Trong đó, sẽ thắt chặt, quản lý tốt hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Việt đưa người đi giúp việc. “Những doanh nghiệp làm tốt quá trình tuyển chọn, đào tạo, hỗ trợ người lao động thì mới tiếp tục được làm; nếu hoạt động không đảm bảo thì Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Việt Nam sẽ không cấp mã xin Visa với doanh nghiệp đó”, ông Diệp khẳng định.

Về lâu dài, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, tiểu ban hợp tác lao động của 2 nước đã có buổi làm việc, mong muốn nâng số lao động Việt Nam sang làm việc ở Ả rập Xê út từ vài chục ngàn lên hàng trăm ngàn người vào những năm tới.

Đồng thời 2 bên tiếp tục thương thảo để luật pháp rõ ràng hơn, có nhiều giải pháp để bảo vệ người lao động tốt hơn, cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đưa lao động đi và trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp dịch vụ việc làm ở Ả rập Xê út để đảm bảo sự ổn định, an toàn cho lao động Việt Nam tại nước này.

Việt Nam đưa lao động sang Ả rập Xê út từ năm 2005, đến nay có khoảng 16.000 lao động đang làm việc tại nước này. Trong đó có khoảng 5.000 lao động giúp việc gia đình, phần lớn là lao động nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm