Siêu âm kết hợp AI giúp chẩn đoán bệnh lạc nội mạc tử cung

Khắc Nam
04/06/2024 - 14:50
Siêu âm kết hợp AI giúp chẩn đoán bệnh lạc nội mạc tử cung

Công nghệ EndoCure về cơ bản là một dạng siêu âm nâng cao kết hợp với AI giúp phát hiện chính xác bệnh

Khởi nghiệp EndoCure của Israel đang nghiên cứu, kết hợp siêu âm và trí tuệ nhân tạo (AI) để bác sĩ nhìn rõ những tổn thương nhỏ mà hệ thống hình ảnh tiêu chuẩn không nhìn thấy.

Ước tính, có khoảng 200 triệu phụ nữ phải chịu nỗi đau vì bệnh lạc nội mạc tử cung. Trong nhiều trường hợp, lạc nội mạc tử cung được kích hoạt bởi kỳ kinh nguyệt đầu tiên và có khả năng tồn tại cho đến khi mãn kinh. 

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng mãn tính và tiến triển, đặc trưng bởi sự phát triển của các tổn thương nhỏ trong khoang chậu. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Triệu chứng điển hình của lạc nội mạc tử cung là đau bụng, đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, đau khi đi vệ sinh trong kỳ kinh, khó mang thai. 

Lạc nội mạc tử cung rất khó chẩn đoán, thường mất trung bình từ 7 đến 11 năm. Các bác sĩ hiện chưa hiểu đầy đủ về bệnh này.

Nhóm chuyên gia, đứng đầu là Tiến sĩ Hadas Ziso, tại EndoCure, đang nghiên cứu những gì họ mô tả là "bước tiến mang tính biến đổi trong lĩnh vực này". Phát triển một công cụ chẩn đoán có thể cho phép các bác sĩ nhìn rõ những tổn thương cực nhỏ - thường chỉ có kích thước 1 milimet - mà hệ thống hình ảnh tiêu chuẩn không thể nhìn thấy được. 

Công nghệ của EndoCure về cơ bản là một dạng siêu âm nâng cao kết hợp với AI. Đầu dò siêu âm được gắn trên một cánh tay robot, thay vì cầm tay, để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn và AI sẽ rà soát các hình ảnh để xác định, lập bản đồ bất kỳ tổn thương nào.

Theo Hadas Ziso, Giám đốc điều hành của EndoCure, một trong những lý do chính khiến phẫu thuật tiêu diệt hoặc loại bỏ các tổn thương không hiệu quả là vì các bác sĩ không thể nhìn thấy cấu trúc tổn thương. "Phẫu thuật chỉ dựa trên những phỏng đoán nhưng nếu thấy chính xác vị trí tổn thương thì phẫu thuật sẽ chính xác hơn", Giám đốc điều hành của EndoCure cho biết.

Với giải pháp của EndoCure, các bác sĩ có thể biết chính xác điều gì đang xảy ra với các tổn thương, thay vì dựa vào bệnh nhân để mô tả các triệu chứng của họ. Mặc dù siêu âm an toàn và tiết kiệm chi phí nhưng không thể cung cấp mức độ chi tiết như một máy MRI lớn. 

Để cải thiện chất lượng hình ảnh, nhóm của Hadas Ziso đã sử dụng cánh tay robot để điều khiển chuyển động của đầu dò siêu âm với độ chính xác cao, di chuyển chậm hơn nhiều so với bàn tay con người và thu được hình ảnh càng nhiều chi tiết càng tốt. 

"Chúng tôi đang quét toàn bộ khu vực quan tâm, di chuyển chậm theo cùng một hướng để tạo ra một loạt khung hình song song cách nhau 10 micron (bằng 1/1.000 mm - PV)", Hadas Ziso cho hay.

Cũng theo Hadas Ziso, quá trình quét thủ công phụ thuộc vào góc mà người vận hành giữ đầu dò siêu âm. Ngay cả với hệ thống siêu âm tốt và độ phân giải tốt nhất, người vận hành cũng sẽ không thể nhìn thấy tổn thương trong thời gian thực vì đầu dò di chuyển quá nhanh để não người có thể diễn giải được. Nhưng quá trình quét bằng robot, thường chỉ mất 3 phút, lại có kết quả chính xác hơn.

Bước tiếp theo EndoCure đang thực hiện là ứng dụng một hệ thống AI để tìm và lập bản đồ các tổn thương - thường là từ 3 đến 20 tổn thương khác nhau - từ dữ liệu siêu âm của bệnh nhân. Hiện tại, đây là một nhiệm vụ khó khăn. EndoCure phải xem xét 60 khung hình một giây từ một video để tìm ra thứ gì đó có thể bị bỏ sót.

"Chúng tôi vừa hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng và dự kiến sẽ có thử nghiệm trên người sau khoảng 6 tháng nữa. Hy vọng chúng tôi có thể tiếp thị được sản phẩm trong vòng 2-3 năm tới", Giám đốc điều hành của EndoCure nói.

Nguồn: Israel21c.org
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm