pnvnonline@phunuvietnam.vn
Singapore áp dụng công nghệ số để phục hồi kinh tế
Mã SGQR được phát hành vào năm 2018 nhằm giúp đơn giản hóa phương thức thanh toán bằng mã QR tại Singapore. Ảnh: CNA
Để đối phó với Covid-19, Singapore đã và đang không ngừng khám phá và tăng cường sử dụng các giải pháp kỹ thuật số trong các lĩnh vực khác nhau nhanh chóng thích nghi với giai đoạn phục hồi và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Chính phủ đã đặt trọng tâm vào các sáng kiến công nghệ - yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc cho phép nước này giải quyết các vấn đề trong và sau đại dịch, đảm bảo rằng quốc gia được trang bị tốt để đối mặt với những thách thức tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Một trong những sáng kiến mới nhất là giải pháp giúp các chủ quán ăn và người cao niên sử dụng công nghệ trong quá trình phòng chống dịch Covid-19. Để thực hiện sáng kiến này, chính phủ đã triển khai một văn phòng kỹ thuật số nhằm tuyển dụng 1.000 đại sứ vào cuối tháng 6.
Các đại sứ kỹ thuật số sẽ có mặt tại 112 khu ẩm thực bình dân và các khu chợ trên khắp Singapore trong tháng 6 để khuyến khích các chủ gian hàng sử dụng mã SGQR cho thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt. Biện pháp này sẽ được mở rộng đến các quán cà phê và căng-tin công sở vào tháng 7.
"Mục tiêu của chúng tôi là thu hút 18.000 chủ quán tham gia giải pháp thanh toán điện tử đồng bộ vào tháng 6 năm 2021", theo Bộ Truyền thông và Thông tin (MCI) và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA).
Cùng với những nỗ lực của chính phủ Singapore nhằm tối đa hóa việc áp dụng công nghệ, hai nền tảng số cung cấp dịch vụ giao thức ăn mới không thu phí chiết khấu cũng vừa được ra mắt. Trong quá trình giãn cách xã hội, nhiều chủ quán ăn bình dân không thể sử dụng dịch vụ giao hàng vì mức chiết khấu của các ứng dụng này quá cao, và việc sử dụng công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ.
Trước thực trạng này, ông Jack Ong đã nảy ra ý tưởng thành lập BySGForSG, một nền tảng giao thức ăn phi lợi nhuận cho những chủ quán ăn bình dân. BySGForSG không thu phí gia nhập mà chỉ thu 5% mức chiết khấu, toàn bộ số tiền này sau đó được quyên góp để cung cấp bữa ăn và nhu yếu phẩm cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Sau khi BySGForSG ra mắt, ông Yeo See Hock, chủ quầy thức ăn hải sản Meng Kee Seafood tại khu ẩm thực bình dân Pasir Panjang đã có thể giảm 40% tổn thất doanh thu do dịch bệnh. "Chúng tôi cảm thấy sáng kiến này rất ý nghĩa vì đây là một giải pháp có lợi cho cả người bán, khách hàng và cộng đồng".
Một giải pháp giao thức ăn không thu chiết khấu khác là Marketplace@WhyQ, một nền tảng nhằm giúp đỡ cộng đồng ẩm thực địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân bán lẻ. Theo Fairprice Group và WhyQ, các cơ sở thực phẩm nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số do phí chiết khấu cao, việc sắp xếp nhân sự và quan niệm e dè khi ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh của họ.
Không giống với phần lớn các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến, các cửa hàng tham gia Marketplace@WhyQ sẽ không phải trả bất kỳ khoản chiết khấu hoặc phí gia nhập. Thay vào đó, 6% trên tổng chi phí đơn hàng sẽ thu để chi trả phí cổng thanh toán và máy chủ cho nền tảng, đại diện công ty sáng lập cho biết.
Ông Varun Saraf, đồng sáng lập WhyQ cho biết: "Ý tưởng này nhằm khuyến khích các cửa hàng ăn uống, đặc biệt là các mô hình kinh doanh nhỏ, mở các cửa hàng trực tuyến để được hỗ trợ giao hàng miễn phí và khuyến khích các đợt giảm giá có lợi cho khách hàng".