Quy định ngặt nghèo với thực phẩm ngoại nhập
Với hơn 90% lương thực thực phẩm là hàng nhập, ngay từ năm 1985, Singapore đã ban hành Luật kinh doanh thực phẩm (Sale of food Act), quy định rõ thực phẩm tiêu thụ trên thị trường phải là hàng thật; nghiêm cấm mọi hình thức hàng giả, hàng nhái, hàng không có nhãn mác rõ ràng. Nghiêm cấm việc sử dụng những thông tin trong nhãn mác có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng; mọi hàng hóa không đủ tiêu chuẩn đều phải tiêu huỷ, nếu vi phạm phải xử lý theo luật pháp.
Cơ quan quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm và Thú y Singapore (AVA) - cơ quan đảm trách về ATTP của Singapore cũng đưa ra một loạt các tiêu chuẩn gắt gao đối với các mặt hàng ngoại nhập. Các mặt hàng nhập khẩu phải có chứng chỉ về mặt chất lượng do AVA cấp. Ngoài ra, chỉ các trang trại trồng, sản xuất rau, hoa quả có chứng chỉ công nhận đủ điều kiện chất lượng và vệ sinh để cung cấp vào thị trường Singapore mới được nhập khẩu sản phẩm của chính mình sản xuất vào thị trường này. Nhà nhập khẩu Singapore cũng chỉ nhập khẩu thông qua những cơ sở này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, tiêu thụ tại thị trường Singapore.
Chưa dừng lại ở đó, khi hàng đã được nhập vào Singapore, AVA sẽ tiến hành kiểm tra lần cuối (kiểm tra mẫu, các hoá chất, thuốc trừ sâu được phép sử dụng) trước khi đưa đi tiêu thụ. Các mặt hàng nước khoáng thiên nhiên, nước lọc, nước suối đóng chai, nước mắm, nước tương, thực phẩm, các loại thực phẩm qua chiếu xạ cần phải có các chứng từ bổ sung.
Một ví dụ cho thấy rõ sự vào cuộc quyết liệt của Singapore trong việc bảo đảm VSATTP với hàng nhập khẩu, đó là vào năm 1999, khi dịch virus Nipah bùng phát từ các nông trại chăn nuôi heo ở Malaysia, Singapore đã từ chối hầu hết thịt heo sống nhập từ quốc gia này. Thay vào đó, chính phủ nhanh chóng tìm kiếm nguồn thịt heo khác, cụ thể là chuỗi thịt heo đông lạnh có nguồn gốc xuất xứ từ Úc.
Phạt nặng với thực phẩm nội địa không đảm bảo VSATTP
Mặc dù Singapore không có lợi thế về tài nguyên, khoáng sản, diện tích đất như các quốc gia khác, nhưng ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm sạch của Singapore được đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có chất lượng vượt trội trong khu vực.
Để đạt được điều này, chính phủ Singapore đã tiếp cận các chương trình sản xuất thực phẩm bằng phương pháp quản lý năng động theo định hướng kế hoạch dài lâu trên 4 nguyên tắc cốt lõi: đạt hiệu quả cao, làm việc với nhiều thị trường, đổi mới có phương pháp, liên kết cộng đồng với các bên liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan AVA còn có những chính sách khen thưởng các công ty đạt chuẩn về chất lượng, khuyến khích các công ty đưa công nghệ sản xuất thực phẩm sạch tiên tiến.
Ngoài ra, tại Singapore, muốn mở quán ăn hay chỉ đơn giản là một xe bán thực phẩm lưu động, bạn phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về VSATTP được tổ chức thường xuyên tại nhiều nơi, đến tận cấp phường. Hàng quán của bạn cũng sẽ được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Nếu muốn mở cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến (bao gồm cả các thiết bị chế biến thực phẩm), bạn cũng cần phải đăng kí với AVA bên cạnh việc đăng kí với Hải quan.
Tất nhiên, nếu không tuân thủ theo những quy định trên, các cơ sở kinh doanh thực phẩm sẽ phải chịu phạt theo pháp luật.
Một ví dụ điển hình là vào ngày 23/12/2015, 137 cửa hàng thực phẩm đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, 750 cơ sở khác bị trừ điểm do không đảm bảo các yêu cầu VSATTP như sàn bếp ướt, sử dụng nhân viên không được đào tạo về xử lý thực phẩm, có gián trong bể nước…
Coi VSATTP là trách nhiệm chung
Ngoài hệ thống pháp luật như trên, chính phủ Singapore ý thức được rằng trong cuộc chiến VSATTP không thể nào thiếu sự hợp tác với người dân, vì họ chính là đối tượng trực tiếp xử lý và tiêu thụ các sản phẩm bằng cách này hay cách khác. Họ vừa là người sản xuất, kinh doanh, vừa là người tiêu dùng, vì vậy họ là những người cần được biết rõ nhất về VSATTP.
Chính phủ Singapore luôn cho rằng, đảm bảo VSATTP là trách nhiệm chung. Thông qua giáo dục công cộng, AVA hy vọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. Bằng cách học một số lời khuyên về an toàn thực phẩm, người dân quốc đảo Sư tử có thể đóng vai trò đảm bảo ATTP cho chính bản thân mình.
Ngoài ra, qua các đợt kiểm tra, rà soát, cơ quan chuyên trách về VSATTP của Singapore sẽ đăng tải đánh giá về các cơ sở thực phẩm lên website để người dân tiện theo dõi. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo người dân nên tránh xa thức ăn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác…