Sinh viên học tiếng Hàn, tiếng Nhật tăng mạnh

Kim Ngọc
21/01/2022 - 18:00
Sinh viên học tiếng Hàn, tiếng Nhật tăng mạnh

Sinh viên học tiếng Hàn, tiếng Nhật tăng mạnh

Sự quan tâm dành cho anime (phim hoạt hình Nhật Bản), game và K-pop được cho là nguyên nhân thúc đẩy sự bùng nổ việc học tiếng Hàn và tiếng Nhật ở các trường đại học.

Theo một báo cáo do Hội đồng Ngôn ngữ Hiện đại (UCML) công bố vào năm 2021, tỷ lệ người học tiếng Hàn đã tăng hơn 3 lần - từ 50% lên 175% trong giai đoạn 2012 – 2018, trong khi tiếng Nhật tăng 71% trong cùng kỳ. Báo cáo cho thấy hiện tại số lượng học sinh, sinh viên học tiếng Hàn nhiều hơn tiếng Nga và học tiếng Nhật nhiều hơn tiếng Ý.

Theo Emma Cayley, Giám đốc điều hành UCML, đã có sự chuyển hướng trong việc dạy các ngôn ngữ thuộc châu Âu sang các ngôn ngữ ngoài châu Âu. Bà cho biết sự chuyển hướng này bao gồm cả tiếng Ả Rập và tiếng Trung, kết hợp với tiếng Nhật và tiếng Hàn, góp phần thúc đẩy sự phục hồi trong nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa ở các trường đại học.

Một nghiên cứu gần đây của UCML dựa trên báo cáo về dạy học ngoại ngữ từ các trường đại học cho thấy, tỷ lệ các trường đại học dạy tiếng Nhật đã tăng từ 19% vào năm 2018 lên 39% vào năm 2020-2021. Số lượng các khoa dạy tiếng Hàn cũng tăng nhẹ.

Độ phổ biến ngày càng tăng của văn hóa Hàn Quốc nói riêng, hay các cụm từ như "làn sóng Hallyu" đang ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, từ mỹ phẩm, thời trang đến thực phẩm và đồ gia dụng. Trung tâm của làn sóng Hàn Quốc được cho là K-pop khi năm 2017, ngành công nghiệp âm nhạc này ước tính trị giá gần 5 tỷ USD. Năm ngoái, nhóm nhạc đình đám BTS của Hàn Quốc cũng lập kỷ lục mới khi Dynamite trở thành ca khúc được nghe nhiều nhất năm 2021 trên Apple Music. Đầu tháng 10/2021, từ điển tiếng Anh Oxford (OED) đã thêm 26 từ mới có nguồn gốc từ tiếng Hàn vào ấn bản mới nhất của mình, bao gồm từ "Hallyu".

Từ sở thích cá nhân đến tiếp nhận văn hóa

Nhiều giảng viên cho biết, sinh viên học tiếng Hàn và tiếng Nhật thường bắt nguồn từ sở thích cá nhân và học thông qua các nền tảng học ngoại ngữ như Duolingo. Các số liệu gần đây ở Anh cho thấy, tiếng Nhật là ngôn ngữ có số lượng người theo học tăng nhanh nhất trong khi tiếng Hàn tăng nhanh thứ tư.

Kazuki Morimoto, giảng viên tiếng Nhật tại Đại học Leeds (Anh), cho biết: "Sinh viên bắt đầu học tiếng Nhật một cách tình cờ và chỉ học cho vui nhưng sau đó lại thấy thích thú với ngoại ngữ này nên muốn học nghiêm túc hơn để thi lấy chứng chỉ hoặc làm môn tự chọn". Morimoto cho biết ông nhận thấy sự chuyển hướng này từ 10 đến 20 năm trước, khi sinh viên chọn kết hợp học tiếng Nhật với kinh doanh hoặc kinh tế để cải thiện triển vọng việc làm, cũng như hướng tới tự học ngôn ngữ và văn hóa vì yêu thích, mặc dù nhiều người vẫn tìm được việc làm liên quan đến tiếng Nhật khi tốt nghiệp. Ông cho rằng thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi sự lan truyền văn hóa trên mạng xã hội hay chương trình chiến lược về ngoại giao văn hóa do chính phủ Nhật Bản khởi xướng trước thềm Ruby World Cup 2019 và Olympic Tokyo 2020.

Jaeuk Park, giảng viên tiếng Hàn tại Đại học Leeds, cũng nhận thấy điều tương tự. Ông cho biết sinh viên của ông thường học tiếng Hàn vì thích nghe nhạc và xem phim Hàn Quốc, trong khi một số muốn hiểu thêm về Triều Tiên, một quốc gia vốn nổi tiếng bí ẩn.

Theo Sarah Keith, nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng Hàn Quốc tại Đại học Macquarie ở Úc, sức hấp dẫn của làn sóng Hàn Quốc với người phương Tây là do sự thúc đẩy từ nền văn hóa toàn cầu hiện nay, khi nhiều nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc tiếp nhận các bộ phim Hollywood và văn hóa châu Âu. Kết quả là các sản phẩm văn hóa họ tạo ra chứa đựng sự cân bằng giữa các đặc điểm quen thuộc và mới lạ nên hấp dẫn người phương Tây. "Ví dụ trong Squid Game, khán giả trên toàn thế giới có thể bắt kịp nhịp độ và mức kịch tính trong từng thước phim. Bộ phim cũng tạo nên sự hấp dẫn khi đan xen các chủ đề đặc trưng về Hàn Quốc, một điều hoàn toàn mới với khán giả nước ngoài", Keith nói.



Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm