Môi trường để hoàn thiện mình
Theo TS Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC, thực tế lâu nay, nhiều người có suy nghĩ vào đời chỉ cần tấm bằng đại học là thành công, có việc làm tốt. Vì chưa hiểu đúng nên nhiều bạn chỉ đi học đại học theo mong muốn của gia đình, học cho có hoặc chỉ học trong sách vở mà thiếu kiến thức thực tế, không chịu trải nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, yếu kiến thức xã hội... Do đó, khi ra trường, dù có được tuyển dụng các bạn cũng chông chênh, khó bắt nhịp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Đó là lý do TS Khanh ấp ủ tạo một sân chơi cho các sinh viên (SV) để rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện bản thân trước khi vào đời. CLB hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, cung cấp cho các bạn trẻ những lớp đào tạo kỹ năng mềm, kết nối các bạn với các doanh nghiệp, tìm việc làm thêm cho sinh viên, giúp doanh nghiệp tìm được các sinh viên năng động để bổ sung vào đội ngũ người lao động, tổ chức talkshow để mời các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ...
Hiện nay, CLB đã có gần 100 bạn trẻ là sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ tham gia sinh hoạt với Ban chủ nhiệm cũng chính là các bạn SV. Bất kể bạn trẻ nào muốn mình lập thân lập nghiệp thành công đều có thể viết đơn gia nhập CLB. CLB cũng đã xúc tiến mời khoảng 30-40 doanh nghiệp, nhà trường... tham gia vào Ban cố vấn để tạo nên chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên.
Từ nhu cầu của người trẻ
Nguyễn Thanh Bình, sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam là Chủ nhiệm CLB Sinh viên khởi nghiệp 4.0. Bình và các bạn trong Học viện Nông nghiệp đã bắt đầu có những thành công đầu tiên, tuy còn manh nha, trong quá trình khởi nghiệp của mình.
Nhận thấy giống gà H’Mông (giống đặc hữu của đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc với đặc điểm da đen, xương đen) có giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa được chú ý, bảo tồn giống gen thuần chủng, Bình và các bạn đã lập ra dự án trang trại gà H’Mông. Việc triển khai dự án sẽ giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông. Sau đó, nhóm đã mang dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2017 và giành giải Nhất.
Cũng nhờ việc tham gia cuộc thi mà Bình đã có cơ duyên quen TS Trần Duy Khanh và được TS tiếp sức, tư vấn cho dự án để bây giờ trở thành Chủ nhiệm CLB Sinh viên Khởi nghiệp 4.0. Sau khi tham gia, dự án bảo tồn giống gà H’Mông đã được một công ty nhận hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và Viện nghiên cứu đào tạo Doanh nhân APEC giúp đào tạo cho các bạn kỹ năng khởi nghiệp.
Chia sẻ câu chuyện này, Bình cho biết: Rõ ràng, nếu không có sự trợ giúp của các doanh nghiệp, chuyên gia, cộng đồng, thì một bạn trẻ khó mà đơn thương độc mã khởi nghiệp thành công. Tham gia sinh hoạt trong CLB, Bình mong muốn sẽ tìm thấy một môi trường nơi mọi người cùng cộng tác, hỗ trợ nhau phát triển.
Trước đó, một số người cũng đã hỏi Bình, tại sao CLB khởi nghiệp mà lại... có đa dạng thành phần tham gia đến vậy? Lẽ ra, khởi nghiệp thì chỉ nên thu hút các bạn SV học các ngành về tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.
Những bạn học về Mỹ thuật, Nông nghiệp, Bách khoa, Công nghệ thông tin, Luật... thì có vai trò gì với CLB? Bình giải thích: “Mỗi bạn trẻ, làm ở các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau đều có đóng góp nhất định. Chẳng hạn, khi Bình muốn phát triển thương hiệu gà H’Mông, Bình sẽ phải nhờ tới người có chuyên môn mỹ thuật thiết kế nhãn hiệu, nhờ bạn hiểu về luật pháp tư vấn các vấn đề liên quan tới thủ tục pháp lý kinh doanh, nhờ bạn giỏi công nghệ thông tin thiết lập hệ thống quản lý bán hàng... Tương tự, Bình có hiểu biết về nông nghiệp, có thể giúp được một ai đó đang khởi nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt...”.
Theo Bình, trong thời đại 4.0, việc những người trẻ liên kết với nhau để gia tăng sức cạnh tranh và sức mạnh vô cùng quan trọng.