Sinh viên và nỗi ám ảnh chủ nhà trọ tai quái

28/08/2018 - 16:12
Không phải ai cũng may mắn tìm được nhà trọ không chung chủ. Ở chung với chủ nhà trọ tai quái, sinh viên gặp muôn vàn nỗi đắng cay khi bị nhà chủ tận thu, hoạnh họe, đề ra những quy định vô lý…

Không ít sinh viên chia sẻ, khi mới đến thuê nhà, các chủ nhà thường rất ngọt ngào, quan tâm, hỏi han mọi chuyện. Thế nhưng, khi “bắt được con mồi”, họ mới “giở mặt” gây khó dễ cho người ở bằng hàng loạt các quy định tréo ngoe, các khoản phụ thu vô lý. 

tro2_opt_hldw.jpg
Nhiều sinh viên "ngậm đắng nuốt cay" với những khoản tận thu của chủ nhà trọ tai quái. Ảnh minh họa

 

Nguyễn Thị Thu (ĐH Lao Động Xã Hội Hà Nội) vô cùng bức xúc khi chủ nhà trọ nơi cô thuê (phố Chính Kinh, Hà Nội) “ném” cho một cái hợp đồng 12 tháng với các điều khoản chuyển đi thì mất tiền cọc và 20% của tổng tiền phòng những tháng còn lại. Phụ phí thu quá nhiều như tiền giữ xe máy 100 nghìn đồng, tiền xe đạp 50 nghìn đồng, tiền vệ sinh 70 nghìn đồng (dù không bao giờ thấy dọn dẹp ngoài việc sinh viên tập trung rác xuống tầng 1 rồi bà chủ bỏ ra xe rác), internet 100 nghìn đồng (chưa kể 100 nghìn đồng tiền dây nối lúc mới dọn đến), điện 4 nghìn đồng/số, nước 30 nghìn đồng/người.
 
“Chưa hết, bà chủ có quầy tạp hóa bán đầy đủ các thứ ngay tầng 1. Nếu sinh viên mua đồ ở ngoài vào thì bà sẽ chì chiết, lườm nguýt rất khó chịu. Sinh viên thay gas cũng phải gọi chỗ mối của bà, nếu gọi chỗ khác bà sẽ không cho người thay gas vào nhà. Người nhà đến ở quá 4-5 ngày, bà sẽ nhắc nhở đóng thêm tiền phòng… “, Thu chia sẻ.
 
Thu cho biết, thấy những đồng tiền còm cõi của sinh viên mà còn bị tận thu như thế nên cô vô cùng ức chế. Sau một thời gian, cô đã quyết ra đi và chấp nhận mất tiền đặt cọc.
 
nha-tro.jpg
Sinh viên thuê trọ trong những căn phòng ẩm thấp, chật hẹp và phải chịu đựng những quy định rất tréo ngoe của chủ nhà. Ảnh: T.H

 

Báo giá điện nước cho sinh viên một đằng nhưng lúc thu lại một nẻo là tình trạng khá phổ biến ở các nhà trọ hiện nay. Dương Minh Anh (sv ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, trọ tại phố Hoàng Mai) cho biết: Lúc đầu, bọn mình chuyển đến thì giá nhà trọ chấp nhận được, dù cao hơn giá nhà nước khá nhiều (nước: 25.000 đ/khối, điện: 3.000đ/số). Chỉ 2 tháng đầu, chủ nhà thu theo giá “nhân ái” ấy. Thế nhưng, từ tháng thứ 3 trở đi, điện nước tăng chóng mặt, có tháng phải trả 40 khối nước (1 triệu đồng), gần 600 nghìn tiền điện (chỉ có 2 laptop, 1 quạt, 1 nồi cơm điện và điện thắp sáng). Được biết, phòng nào cũng có tháng bị thu tiền điện nước giá cắt cổ như vậy, may mắn tháng ít thì cũng hết 400 nghìn.
 
Ngoài bị chủ nhà tính điện nước với giá cắt cổ, các sinh viên khi thuê trọ còn phải chịu rất nhiều điều khoản “tréo ngoe”. Đoàn Thu Hiền (sv Học viện Ngân hàng) chia sẻ về chủ nhà khó tính ở phố Phương Mai với các điều luật nhà trọ không khác gì “tù nhân”: Bắt về trước 22g, thông báo lịch học, đi đâu, làm gì để chủ nhà quản lý…
 
chu-nha-tro.jpg
Ảnh minh họa
 
Khốn khổ nhất là những nữ sinh viên gặp chủ nhà có “nhóm máu D”. “Nhiều trưa, đang ngủ, ông chủ gọi cửa nhờ xoa thuốc bóp vai và thường tự tiện mở cửa phòng mình mà không hỏi ý kiến bao giờ. Buổi tối nào cũng gõ cửa phòng các sinh viên nữ để… nói chuyện. Vừa nói ông vừa nhìn chằm chằm như “ăn tươi nuốt sống” … Ở trọ nhưng luôn cảm thấy bất an, lo nhất là hôm nào bạn cùng phòng đi vắng. Thế nên, dù điều kiện nhà trọ khá ổn nhưng mình cũng phải chuyển đi”, Đặng Thu Hoài (trọ ở Phạm Văn Đồng) cho biết.
 
Không có nhiều tiền, không có nhiều lựa chọn, đặc biệt việc tìm nhà trọ ưng ý không dễ dàng, nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận sống trong ấm ức, nhẫn nhịn với các chủ nhà trọ tai quái. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm