pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 97% so với cùng kỳ 2021
Trẻ mắc SXH được điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh minh họa
Hiện nay bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng cao tại một số địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc SXH. Trong đó, 29 trường hợp tử vong, 47.821 bệnh nhân phải nhập viện. So với cùng kỳ năm 2021 (31.962 ca), số mắc tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp. Trong đó, số ca mắc tập trung ở các tỉnh thành phía Nam.
Dự báo, thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, năm nay số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Cũng theo ông Khuê, trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra phòng, chống SXH. Theo đó, các đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Sở Y tế các tỉnh, thành về công tác phòng, chống SXH; Kiểm tra các nội dung triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống SXH; công tác chuyên môn về dự phòng như giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng, thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch. Đồng thời, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát SXH thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM, cho rằng, việc chẩn đoán và phân loại SXH ban đầu rất quan trọng. Theo bác sĩ Tiến, cán bộ y tế cần chẩn đoán phân biệt Covid-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… Khi bệnh nhân có sốt, y bác sĩ cũng phải luôn nghĩ tới SXH, để không bỏ qua thời gian điều trị sớm. "SXH có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền", bác sĩ Tiến cho hay.
Theo Bộ Y tế, không phải tất cả trường hợp mắc SXH đều phải điều trị nội trú. Các trường hợp nhẹ sẽ được điều trị ngoại trú. Khi điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh. Khi có các dấu hiệu trở nặng, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.