pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số ca mắc ung thư dương vật gia tăng khiến không ít đàn ông phải cắt một phần "cậu nhỏ"
Khoảng 5 năm về trước, J, một người đàn ông giấu tên ở Brazil phát hiện trên dương vật của mình có một nốt giống như mụn cóc. Nó khiến anh cảm thấy ngứa ngáy, đau rát và tệ nhất là một mùi hôi rất khó chịu.
"Tôi đã đi khám ở bệnh viện, nhưng các bác sĩ nói rằng đó chỉ là triệu chứng da liễu bình thường. Họ cho tôi thuốc về nhà tự điều trị", J nói.
Cả năm trời bôi và uống đủ mọi loại thuốc không khỏi, J bất lực nhìn nốt mụn phá hỏng đời sống tình dục của mình. "Tôi sống với vợ như thể hai anh em vậy", anh thừa nhận.
Phải đến tận mùa hè năm ngoái, sau khi trải qua hàng loạt xét nghiệm, ở đủ các bệnh viện, một bác sĩ mới gọi J vào phòng và nói vấn đề của anh ấy đã được tìm thấy: Nốt mụn cóc của J thực chất là một khối u.
Chẩn đoán ung thư dương vật đã thay đổi cuộc sống của J mãi mãi. Các bác sĩ đã cắt một phần "cái đó" của anh ấy - không có cách nào khác - để đảm bảo khối u không đe dọa tính mạng.
"Tôi sợ phẫu thuật lắm, nhưng không còn cách nào khác cả. Sau đó tôi đã suy sụp hàng tuần trời, không thể chấp nhận thực tại. Việc mất đi một phần dương vật của mình thật kinh khủng", J nói. "Tôi cảm thấy mình như bị chặt mất một cái đầu vậy".
Nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất mà J phải chịu đựng. Khi ai đó bị bệnh ung thư, ít ra họ vẫn còn có thể than thở với mọi người để được chia sẻ vết thương lòng. Những bệnh nhân ung thư dương vật, như J, gần như phải giữ kín mọi cảm xúc.
"Đó là điều bạn không bao giờ tưởng tượng sẽ xảy ra với mình. Và khi nó xảy ra, bạn không thể cứ thế đi khắp nơi và than thở với mọi người", J nói. "Đây là loại ung thư mà bạn không thể thổ lộ với bất kỳ ai, bạn sẽ tự biến mình thành một trò cười".
Ung thư dương vật đang gia tăng trên toàn thế giới
Ung thư dương vật là những trường hợp ung thư phát triển ở dương vật nam giới, với 95% các trường hợp là từ tế bào vảy hoặc biểu bì bao quy đầu.
Hiếm gặp hơn là các trường hợp ung thư sarcoma khởi phát ở mạch máu, cơ và mỡ, u hắc tố hay ung thư da ở dương vật và ung thư biểu mô tế bào đáy, xuất phát từ phần sâu bên dưới da.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 36.000 người mắc ung thư dương vật, gây ra 13.000 trường hợp tử vong. Trong so sánh với ung thư phổi – căn bệnh ung thư phổ biến (2,2 triệu người mắc/năm) và gây tử vong nhiều nhất toàn cầu (1,8 triệu ca/năm), ung thư dương vật rõ ràng là căn bệnh hiếm gặp hơn hẳn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy căn bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Số ca ung thư dương vật ở Anh đã tăng 21% trong vòng 50 năm qua. Con số ở Na Uy và Đức là 50%. Cơ quan Đăng ký Ung thư Toàn cầu dự báo trong vòng 25 năm nữa, tỷ lệ mắc ung thư dương vật có thể tăng tới 77%.
Căn bệnh tạo ra gánh nặng chủ yếu ở các nước đang phát triển như Romania, Uganda, Brazil nơi có tỷ lệ mắc ung thư dương vật trong một số giai đoạn được ghi nhận ở mức 7,26, 6,3 và 5,7 trường hợp trên mỗi 100.000 dân.
Trong so sánh, con số trung bình trên 100.000 dân của toàn thế giới chỉ là 0,84 trường hợp.
Điều đó có nghĩa là bạn phải theo dõi một nhóm 120.000 người, trong suốt 365 ngày của một năm thì mới phát hiện được một trường hợp ung thư dương vật.
Mặc dù vậy, khi chỉ tính đến yếu tố giới tính, loại bỏ một nửa số phụ nữ khỏi nhóm dân số, thì tại một số khu vực ở Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á, ung thư dương vật có thể chiếm tới 10% số ca ung thư được chẩn đoán, theo một nghiên cứu trên tạp chí Tiết niệu Thế giới.
Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dương vật ở nam giới bao gồm: tuổi tác, thói quen hút thuốc lá, tình trạng hẹp bao quy đầu và đặc biệt là người mang virus u nhú (HPV).
Trong khi virus HPV nổi tiếng là tác nhân gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, nó cũng là yếu tố gây ra nguy cơ ung thư dương vật cao nhất cho đàn ông.
Lây truyền qua tiếp xúc da kề da, thường là trong quá trình quan hệ tình dục, virus HPV lẻn vào bên trong các tế bào vảy. Ở đây, chúng tự tích hợp DNA của mình vào DNA tế bào chủ.
Sự hiện diện của DNA virus HPV trong tế bào vảy mở đường cho tế bào phát triển đột biến, tăng sinh, hình thành các nốt mụn cóc sinh dục và cuối cùng biến thành ung thư.
Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc cho biết khoảng 60% ca ung thư dương vật xuất phát từ virus HPV. Nếu một người nhiễm virus HPV và có mụn cóc sinh dục, tỷ lệ ung thư dương vật sẽ tăng gấp 3,7 lần sau 2 năm.
Trong so sánh, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dương vật gấp 1,8 lần so với người không hút. Những người hút thuốc là thường xuyên, trên 10 điếu/ngày, có nguy cơ ung thư dương vật gấp 2,2 lần. Lý do, một lần nữa, đến từ các hóa chất độc hại trong thuốc lá thúc đẩy quá trình đột biến của DNA.
Một yếu tố cũng làm gia tăng tỷ lệ đột biến và ảnh hưởng tới nguy cơ mắc ung thư dương vật là tình trạng hẹp và viêm quy đầu mạn tính. Phản ứng viêm giải phóng nhiều hợp chất oxy hóa, khiến các tế bào biến đổi và làm tăng nguy cơ ung thư dương vật tới 3,9 lần.
Viêm quy đầu có thể được phòng ngừa bằng cách cắt bao quy đầu. Đó là lý do tại sao tại các quốc gia có tỷ lệ nam giới cắt bao quy đầu cao thì tỷ lệ ung thư dương vật của họ thường thấp hơn hẳn các quốc gia khác.
Nam giới thường bỏ qua cơ hội phòng bệnh từ khi còn trẻ
Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư dương vật cần có thời gian tích lũy đột biến để khởi phát. Thống kê cho thấy tới 4/5 ca ung thư dạng này xảy ra ở bệnh nhân trên 55 tuổi.
Đó là lý do tuổi tác được tính là một yếu tố nguy cơ của căn bệnh. Trớ trêu thay, các biện pháp phòng ngừa ung thư dương vật chỉ có thể được thực hiện khi còn trẻ.
Chẳng hạn, vắc-xin HPV được chứng minh có thể giúp ngăn ngừa ung thư dương vật ở nam giới. Tuy nhiên, độ tuổi vàng để nhận các mũi vắc-xin này là từ 9 đến 26 tuổi, thường được nhấn mạnh ở phụ nữ chứ ít có nam giới có ý thức tiêm HPV trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Việc cắt bao quy đầu cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư dương vật. Nhưng thủ thuật này cần được thực hiện càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trước tuổi vị thành niên. Thiếu kiến thức phòng ngừa các bệnh đường tình dục và tiết niệu khi còn trẻ là một nguyên nhân làm tăng tỉ lệ ung thư dương vật sau độ tuổi trung niên.
Nhiều bệnh nhân chỉ khởi phát bệnh ở tuổi già, không biết đó là hậu quả của việc tích lũy các thói quen xấu trong suốt cuộc đời, ví dụ như quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su hoặc đơn giản là thói quen vệ sinh kém.
Năm 2021, các bác sĩ tại Trung tâm Nam học Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từng tiếp nhận một bệnh nhân ung thư dương vật 72 tuổi, nguyên nhân được xác định là do tình trạng hẹp bao quy đầu từ nhỏ.
Bác sĩ Bùi Văn Quang, điều trị cho bệnh nhân tên C, cho biết bệnh nhân này bị hẹp khít bao quy đầu từ bé, không lộn ra được nhưng chưa từng đi khám. Bệnh nhân đi tiểu được, có vợ và sinh con bình thường. Đến năm 71 tuổi, ông C mới thấy đầu dương vật xuất hiện khối cứng dần, kèm theo biểu hiện đi tiểu khó khăn.
Bệnh nhân tự tìm hiểu trên mạng và đến một phòng khám tư nhân để tiến hành cắt bao quy đầu nhưng không khỏi. Phải đến khi làm xét nghiệm sinh thiết ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, ông C mới phát hiện ra mình bị ung thư dương vật.
Tăng cường ý thức phòng ngừa sớm
Tại thời điểm chẩn đoán, bệnh của ông C đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Khối u ở đầu dương vật lớn, rỉ máu và đã xuất hiện dấu hiệu hoại tử. Các bác sĩ cho biết họ đã buộc phải cắt cụt dương vật của ông C, đồng thời nạo vét hạch bẹn hai bên.
Giống như nhiều bệnh ung thư khác, cắt bỏ là chiến thuật đầu tiên mà các bác sĩ nghĩ đến khi đối diện với một khối u ở dương vật.
Tùy vào tình trạng mà thủ tục cắt bỏ sẽ được thực hiện ở các mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là khối u nhỏ, được phát hiện sớm nhất và chỉ khu trú ở bao quy đầu thì bệnh nhân chỉ cần cắt bao quy đầu và bảo toàn được toàn bộ dương vật cũng như chức năng tình dục.
Các trường hợp nặng và phát hiện muộn thì bệnh nhân cần cắt toàn bộ dương vật. Các bác sĩ sẽ chuyển hướng niệu đạo của họ xuống tầng sinh môn. Bệnh nhân khi đó sẽ phải ngồi để đi tiểu.
J, bệnh nhân ung thư dương vật người Brazil, may mắn hơn khi chỉ bị mất một phần dương vật sau thủ thuật. Điều đó cho phép anh vẫn có thể đứng tiểu, nhưng chức năng tình dục thì chắc chắn không còn nữa.
"Tôi sẽ phải sống với chiếc dương vật bị cắt cụt trong suốt quãng đời còn lại", J nói.
Bộ Y tế Brazil cho biết trong vòng một thập kỷ qua đã có hơn 21.000 trường hợp ung thư dương vật được phát hiện ở đất nước 215 triệu dân. Đã có hơn 6.500 ca cắt cụt được thực hiện trong khoảng thời gian này.
Điều đó có nghĩa là mỗi ngày trôi qua, có 2 người đàn ông tại Brazil phải cắt đi ít nhất một phần dương vật của mình.
Bác sĩ Mauricio Dener Cordeiro, một thành viên của Hiệp hội tiết niệu Brazil cho biết đó thực sự là điều đáng tiếc, bởi ung thư dương vật là một căn bệnh có thể phòng ngừa được. Điều quan trọng là các biện pháp này cần phải được thực hiện sớm, trước khi các đột biến tích lũy đến mức không thể đảo ngược.
Lời khuyên dành cho những người đàn ông không muốn mất đi một phần dương vật của mình bao gồm:
- Tiêm vắc-xin HPV: Độ tuổi lý tưởng nhất để làm điều này là từ 9 đến 26 tuổi, hoặc trước khi bạn bắt đầu quan hệ tình dục. Nếu bạn trên 26 tuổi và đã quan hệ tình dục, hãy trao đổi với bác sĩ về những lợi ích tiềm năng của việc tiêm vắc-xin muộn.
- Điều trị ngay nếu bị hẹp bao quy đầu: Bạn cần đi khám để có chiến lược điều trị tốt nhất và sớm nhất cho tình trạng hẹp bao quy đầu nếu không may mắc phải. Căn bệnh tưởng chừng đơn giản và vô hại vào năm bạn 20 tuổi có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng ở tuổi ngoài 50.
- Cân nhắc cắt bao quy đầu: Cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh giúp giảm nguy cơ ung thư dương vật khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy lợi ích ít hơn nếu cắt bao quy đầu sau khi một người đã quan hệ tình dục. Điều quan trọng là phải cân nhắc lợi ích y tế của việc cắt bao quy đầu so với các yếu tố quyết định khác, như tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa hoặc sở thích cá nhân.
- Thực hành tình dục an toàn: Bao cao su không thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi nhiễm HPV. Tuy nhiên, sử dụng chúng thường xuyên và đúng cách, hạn chế số lượng bạn tình có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus nguy hiểm.
- Không sử dụng các sản phẩm thuốc lá: Thuốc lá và thuốc lá điện tử đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dương vật và nhiều loại ung thư khác.
- Giữ vệ sinh tốt: Vệ sinh dương vật thường xuyên bằng xà phòng nhẹ và nước ấm có thể rửa sạch vi khuẩn gây viêm hoặc nhiễm trùng. Nếu bạn chưa cắt bao quy đầu, hãy lột bao quy đầu thường xuyên và vệ sinh đầu dương vật mỗi ngày để ngăn ngừa tích tụ chất bẩn.
- Đi khám ngay khi có triệu chứng sớm: Cuối cùng, đừng ngần ngại đi khám nếu bạn thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào trên dương vật, bao gồm mụn, vết loét, sự thay đổi màu da, cảm giác ngứa, rát, nổi cục, đóng vảy... Dù có không may mắc bệnh, chẩn đoán sớm cũng sẽ cho phép bạn thực hiện các biện pháp điều trị nhẹ nhàng hơn với tiên lượng tốt hơn.