pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sợ con sẽ trở thành “nô lệ” của đồng tiền
Ảnh minh họa
Chị Minh An (khu Mỹ Đình, Hà Nội) hầu như không nói với con về tiền bạc. Chứng kiến một vài bà mẹ lúc nào cũng "kêu ca" tiền bạc với con, chị thấy tội nghiệp đứa trẻ. Những đứa trẻ ấy lúc nào cũng bị áp lực về tiền nong, không dám tiêu gì, mua gì vì sợ… mẹ tốn tiền. Trong đầu chúng lúc nào cũng nghĩ sau này phải kiếm thật nhiều tiền. Chị thấy chúng không có sự vô tư, hồn nhiên đúng lứa tuổi. Lo lắng các con mình cũng như vậy, thế nên chị Minh An luôn tránh nói chuyện tiền bạc, tình trạng tài chính của gia đình với con. Chị cảm thấy nói chuyện với con về vấn đề tiền nong quá sớm sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của con.
Theo các chuyên gia tâm lý, không nói chuyện tiền bạc với trẻ không có nghĩa là trẻ không biết về tiền. Tiền bạc là một quan niệm, mọi người rất dễ nhìn thấy trạng thái vật chất của tiền nhưng lại thường bỏ qua trạng thái "tinh thần" của tiền. Bản chất của việc dạy trẻ nhận thức về tiền giúp trẻ bồi dưỡng thái độ đúng đắn về giá trị của đồng tiền, hiểu về mối quan hệ giữa tiền và cuộc sống để chuẩn bị tốt cho cuộc sống sau này. Bởi vậy, cha mẹ cần nói chuyện về tiền bạc với con trẻ theo một trình tự nhất định.
Có trẻ biết dành dụm tiền trong một năm để mua món đồ mình yêu thích. Trong một năm đó, đứa trẻ đã học cách phân phối chi tiêu hợp lý số tiền tiêu vặt. Trong khi đó, đứa trẻ khác thì được bố mẹ cho rất nhiều tiền tiêu vặt mỗi tuần. Thế nhưng, chỉ đến giữa tuần là cậu đã tiêu hết tiền vào các trò chơi trên mạng. Khi tiêu hết tiền, cậu lại xin bố mẹ. Dù sao thì bố mẹ cậu cũng không quan tâm nhiều đến việc con tiêu tiền như thế nào.
Vấn đề quản lý tài chính của con trẻ khiến nhiều cha mẹ đau đầu với câu hỏi: Có nên cho con tiền hay không? Làm thế nào để dạy trẻ học được cách ứng xử và sử dụng đồng tiền đúng cách? Làm thế nào để truyền đạt cho con quan niệm về quản lý tài chính một cách đúng đắn? Theo các chuyên gia, cha mẹ nên để con trẻ xây dựng quan niệm đúng đắn về tiền bạc, không nên cho rằng nói chuyện với trẻ về tiền bạc quá sớm sẽ khiến trẻ "mê tiền". Thực ra, hướng dẫn trẻ tiếp xúc với tiền sớm và sử dụng tiền tiêu vặt đúng cách mới mang lại lợi ích cho trẻ. Ví dụ: Dạy trẻ cách lập dự toán, tiết kiệm, tích trữ, mua bảo hiểm, lập kế hoạch chi tiêu cho mình…
Đồng thời, quyết định cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt cũng phải căn cứ vào dự tính chi tiêu trong một tuần của con và phải cùng con lập kế hoạch chi tiêu hợp lý.