pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số hóa dịch vụ công: Nhiều người đang "bỏ quên" lợi ích của mình

Định danh điện tử vừa tạo thuận lợi cho người dân trong làm thủ tục hành chính...
Vì sao có tâm lý ngại cập nhật thông tin?
Chị Hoàng Thị Vân Anh (ở xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên) đã có tài khoản định danh điện tử VNeID. Tuy nhiên đến nay chị vẫn chưa cập nhật thông tin dữ liệu cá nhân lên tài khoản này theo quy định.
Bởi chị sợ bị lộ thông tin cá nhân và có nguy cơ mất mát tài sản. "Thực tế thời gian qua, có nhiều thủ đoạn lừa đảo liên quan đến VneID nên tôi không muốn cập nhật thông tin lên tài khoản này. Bản thân tôi cũng chưa có việc gì cần thiết để phải đưa thông tin lên", chị Vân Anh cho biết.
Không chỉ người sinh sống ở nông thôn mà ngay cả những người sống và làm việc ở thành phố, có nhiều việc cần giao dịch liên quan đến trích xuất dữ liệu cá nhân cũng có tình trạng e ngại cập nhật thông tin cá nhân lên tài khoản định danh điện tử VNeID.
Chị Nguyễn Thị Phương, ở phường Thịnh Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: "Khi tôi ra cơ quan chức năng làm thủ tục hành chính, họ tra cứu dữ liệu cá nhân của tôi trên hệ thống không được nên nhắc nhở tôi cần cập nhật thông tin lên tài khoản định danh điện tử VNeID.
Tôi giải thích lý do sợ bị lộ, lọt thông tin nên không muốn cập nhật quá nhiều giấy tờ tùy thân của mình, nhỡ đâu bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin rồi đi làm việc xấu thì nguy hiểm cho mình".

Thiếu tá Đặng Minh Tú, Trưởng Công an xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên)
Khó khăn trong quản lý, bất tiện cho người dân
Ông Đặng Minh Tú, Trưởng Công an xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), cho biết, việc người dân không cập nhật thông tin lên tài khoản định danh gây ra những khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý cũng như giải quyết một số thủ tục hành chính.
Hiện nay, việc thực hiện một số thủ tục hành chính được áp dụng theo Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Theo đó, người dân đến làm thủ tục hành chính như đăng ký kết hôn, khai sinh, sẽ không phải sử dụng giấy xác nhận như trước. Thay vào đó, cán bộ Tư pháp tự tra cứu thông tin trên dữ liệu lưu trữ để xác minh cho người dân.
Với những người không cập nhật thông tin cá nhân hoặc cập nhật dữ liệu không đầy đủ thì sẽ gây khó khăn cho khâu tra cứu thông tin dữ liệu để xác minh.
Không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, theo bà Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Tư pháp xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), việc người dân không cập nhật dữ liệu cá nhân lên tài khoản định danh điện tử còn gây bất tiện cho chính họ.
Đơn cử việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, do trên hệ thống dữ liệu không có đầy đủ thông tin cập nhật của trường hợp đi đăng ký kết hôn nên buộc cán bộ phải làm văn bản đề nghị xác minh. Việc này vừa mất thêm công đoạn làm thủ tục vừa kéo dài thời gian thực hiện.
Theo bà Hằng, để cả người dân và cơ quan chức năng đều thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, người dân cần chủ động cập nhật thông tin cá nhân lên tài khoản định danh điện tử VNeID.
"Hiện nay, hệ thống bảo mật rất an toàn, người dân không nên quá lo lắng việc bị lọt, lộ thông tin cá nhân. Điều quan trọng là phải chủ động bảo vệ thiết bị điện tử của mình, không để bị mất, sơ hở làm lộ thông tin trên chính phương tiện của mình", bà Hằng khẳng định.

Công an hướng dẫn cho người dân cách cập nhật, sử dụng tài khoản định danh cá nhân
Thông tin về vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an cho biết, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế và triển khai đảm bảo theo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4, với các hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc bảo đảm chặt chẽ 24/24 giờ.
Các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn được thực hiện nghiêm ngặt, xuyên suốt từ Trung ương tới cấp xã. Các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh, an toàn mới kết nối.
Quá trình thu thập định danh của người dân được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các địa phương thực hiện theo một quy trình khép kín, cụ thể:
1. Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm do Công an địa phương bố trí, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra;
2. Quá trình chuyển dữ liệu định danh của công dân được thực hiện qua đường truyền riêng biệt của Bộ Công an, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, giải pháp của Ban Cơ yếu;
3. Thông tin dân cư được bảo mật nghiêm ngặt từ các biện pháp vật lý đến các biện pháp kỹ thuật;
4. Dữ liệu lưu trữ được mã hóa nhiều lớp và bảo đảm chỉ có cán bộ chuyên trách và quyền truy cập mới có thể tiếp cận.
Theo Khoản 7 Điều 3, Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, những thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử sẽ là thông tin của chủ thể danh tính điện tử được thể hiện trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và đã được xác thực thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc các giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Mức độ 1 gồm thông tin về số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 chứa dữ liệu của mức độ 1 và thêm dấu vân tay. Cũng theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP, công dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có thể sử dụng thay thế căn cước công dân (CCCD) trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD. Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự thay CCCD gắn chip.